Tin tức - Sự kiện

Dâu tằm tơ Lâm Đồng đột phá

Trong những gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm của tỉnh Lâm Đồng đã khôi phục và có chiều hướng phát triển nhanh về diện tích dâu, sản lượng kén tằm, tơ lụa.

Lâm Đồng hiện có trên 14.000 hộ trồng dâu nuôi tằm.

Chất lượng kén tằm nguyên liệu được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu ươm tơ chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sản xuất dâu tằm mang lại cho người dân thu nhập cao hơn so với sản xuất một số cây trồng, vật nuôi khác, bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi.

Tính đến năm 2018, Lâm Đồng có trên 6.770ha dâu, chiếm 67% diện tích dâu cả nước, sản lượng lá dâu đạt 124.660 tấn; các giống dâu lai mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào thay thế dần các giống cũ; sản lượng kén đạt khoảng 8.904 tấn, sản lượng tơ đạt 1.187 tấn.

Toàn tỉnh có trên 14.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, khoảng 10 đơn vị nhập khẩu trứng giống tằm từ Trung Quốc (trên 90%) về cung ứng cho trên 100 hộ nuôi tằm con tập trung, 150 cơ sở thu mua kén tằm, 22 cơ sở ươm tơ, dệt lụa.

Công nghệ sản xuất chế biến tơ lụa của Lâm Đồng đã được đầu tư rất cơ bản, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao với 40 dãy ươm tơ tự động, 400 mối/dãy và đang lắp đặt thêm 10 dãy; chất lượng tơ Lâm Đồng đã được nâng lên, trong đó có 80% sản lượng tơ đạt cấp cao và 20% tơ thủ công. Công nghiệp dệt sản xuất khoảng 5 triệu mét lụa mộc/năm, công nghiệp may từ lụa tơ tằm có năng lực may 200.000 sản phẩm/năm.

Tuy nhiên, hiện nay công tác đầu tư nghiên cứu và sản xuất trứng giống tằm trong nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng để phục vụ sản xuất.

Việc tổ chức cung ứng giống tằm cho sản xuất chủ yếu là tự phát, trứng giống tằm sử dụng trên địa bàn tỉnh chủ yếu được nhập từ Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch, chưa được kiểm soát chất lượng và nguồn gốc.

Công tác quản lý nhà nước đối với việc sản xuất, kinh doanh trứng giống tằm trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Công tác nhập khẩu nguồn giống tằm đầu dòng hoặc giống tằm cấp một để nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm thương phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất còn khó khăn.

Một số địa phương có điều kiện phát triển ngành dâu tằm nhưng còn thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để xây dựng những cơ sở nuôi tằm con tập trung có chất lượng hoặc một số cơ sở nuôi tằm con hoạt động chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng giống tằm.

Công tác xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm tơ tằm trong nước cũng như trên thế giới còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư cho ngành dâu tằm tơ còn hạn hẹp, chủ yếu là vốn xã hội hóa, hạ tầng cơ sở còn yếu, thiếu đồng bộ.

Để phát triển ngành dâu tằm tơ theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn nghề trồng dâu nuôi tằm với ươm tơ dệt lụa và bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm dâu tằm tơ, phấn đấu xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm sản xuất dâu tằm tơ của cả nước, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019 - 2023.

Theo Đề án, mục tiêu đến năm 2023, diện tích trồng dâu tằm toàn tỉnh đạt 9.500 - 10.000 ha. Trong đó, diện tích sử dụng giống dâu mới, dâu lai đạt 8.100 - 8.500ha, diện tích trồng dâu ứng dụng công nghệ cao đạt 1.900 - 2.000ha; sản lượng lá dâu đạt 200.000 - 210.000 tấn.

Cùng với đó, cung cấp đủ giống tằm đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất, giống sản xuất trong nước đạt ít nhất 30%, sản lượng kén tằm đạt 14.000 - 14.500 tấn, sản lượng tơ tằm đạt 1.800 - 1.900 tấn. Hình thành ít nhất 3 liên kết liên huyện về tổ chức sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm kén tằm, tơ lụa…

Theo Văn Thọ/Nông nghiệp Việt Nam

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo