Tin tức - Sự kiện

Đề xuất 75.000 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững 5 năm tới

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện gồm vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác.

Đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát gói hỗ trợ COVID-19, bổ nhiệm cán bộ / Đề xuất Quốc hội giám sát gói 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng

Chiều 23/7, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Chính phủ đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cuối năm 2020 giảm xuống còn 23,42%, trung bình giảm 5,4%/năm; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới.

Việt Nam lần đầu tiên và là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

“Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn dân ta trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta” – báo cáo Chính phủ nhấn mạnh và cho biết việc đề xuất chương trình cho giai đoạn tới nhằm tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua.

Hàng loạt chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025

Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2021-2025. Tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và huy động hợp pháp khác.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500.000hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.

Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp....

Chương trình gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện là 75.000 tỷ đồng, trong đó có vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác.

Cần rà soát để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót

Bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cho biết, cơ quan thẩm tra thấy rằng một số dự án, tiểu dự án của 3 chương trình mục tiêu quốc gia có sự trùng lặp về nội dung thực hiện tại cùng địa bàn nông thôn do chưa làm rõ chính xác đối tượng, địa bàn, chưa cụ thể hóa nội dung hỗ trợ, đầu tư.

Việc chương trình xây dựng nông thôn mới không đầu tư tại địa bàn đầu tư của chương trình giảm nghèo bền vững có thể làm cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, các xã thuộc huyện nghèo khó đạt chuẩn nông thôn mới và mâu thuẫn với mục tiêu cụ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội
Bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội

“Nếu tách bạch nội dung chương trình nào dùng vốn chương trình đó và một địa bàn chỉ đầu tư một chương trình mục tiêu quốc gia sẽ dẫn đến một số nội dung đầu tư manh mún, nhỏ giọt không bảo đảm tính bền vững, kém hiệu quả, chậm đạt mục tiêu” – bà Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.

Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì 3 chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung, hoạt động trùng lặp hoặc bỏ sót để đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các chương trình, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện chưa có số liệu cụ thể về tình trạng nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nên khó xác định chính xác mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Ủy ban đề nghị, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ trước khi quyết định Chương trình cần khẩn trương tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh theo hướng các mục tiêu cụ thể cần định lượng được kết quả thực hiện (vì 7/8 mục tiêu cụ thể chưa định lượng được), đồng thời bổ sung các chỉ tiêu để đo lường được hết các mục tiêu cụ thể (16 chỉ tiêu đề ra chưa đo lường được hết các mục tiêu cụ thể, mục tiêu tổng quát) và đảm bảo tính khả thi...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm