Đề xuất bổ sung nghỉ lễ Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7: Những ý kiến trái chiều
DNVN - Đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc bổ sung 1 ngày nghỉ lễ trong năm vào Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 để người dân tri ân người có công đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp.
Việt Nam tiến tới xác thực, định danh điện tử / Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, có khả năng xâm nhập vào quy mô sản xuất lớn
Tại Hội thảo “Góp ý sửa đổi dự thảo Bộ Luật lao động từ cộng đồng doanh nghiệp” diễn ra vào sáng 14/5 tại Hà Nội, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội cho biết: Dự thảo bổ sung 01 ngày nghỉ lễ để tri ân người có công (vào ngày 27/7 dương lịch) vì ngày 27/7 hàng năm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn nhằm tri ân các Thương binh, Liệt sỹ, người có công.
Việc chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ để làm công tác tri ân (Ngày Tri ân) sẽ nâng tầm ý nghĩa ngày này: Tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, theo ông Thiện, các ngày nghỉ lễ hiện rơi chủ yếu vào nửa đầu năm, trong khi nửa cuối năm chỉ có ngày nghỉ 2/9.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ cũng phù hợp, vì có thêm ngày thì tổng ngày nghỉ lễ trong năm của Việt Nam cũng chỉ 11 ngày, vẫn thấp hơn các nước trong khu vực.
Thường vụ Quốc hội đã họp bàn về điều này, và vẫn có 2 luồng ý kiến. Tuy nhiên, theo ông Lợi, việc thêm ngày nghỉ lễ phải xin ý kiến nhân dân, đánh giá các yếu tố xã hội, vì có thể làm việc mới là hoạt động tri ân tốt, còn nghỉ chưa chắc đã là tri ân tốt”.
Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) góp ý không nên chọn ngày này.
"Không nên xoáy sâu thêm những chuyện đã qua. Sẽ ý nghĩa hơn nếu người lao động vẫn đi làm, nhà nước khuyến khích người lao động sử dụng tiền ngày công đó để tri ân người có công, thay vì nghỉ”, ông Cẩm chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam tán thành nghỉ ngày 27/7 để tri ân. Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, "ngày này khá nhạy cảm nên kiến nghị Chính phủ cân nhắc ngày nghỉ giữa từ tháng 6 đến tháng 9 sao cho phù hợp. Bà cũng đề xuất đặt tên gọi ngày nghỉ này nên hài hòa giữa các vùng miền Bắc - Trung - Nam, tránh tổn thương không cần thiết cho những tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa công bố dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và trình Chính phủ trong tháng 5/2019. Đây là một Bộ luật có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đối với thế giới. Bộ luật Lao động lần này sẽ được sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm giải quyết 10 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và giải quyết một số chính sách mới, quan trọng trong quá trình soạn thảo, gồm: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 6 năm áp dụng trên thực tế; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; Đáp ứng yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại mà Việt nam đã phê chuẩn, tham gia (CPTPP, EVFTA). Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đối với dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi và sẽ tiếp thu, trình Quốc hội vào kỳ họp cuối tháng 5. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo