Đề xuất khai thác các đường bay nội địa từ 21/10 sau thời gian thí điểm
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ Y tế trực tiếp thông tin cập nhật về phòng, chống COVID-19 trên phương tiện truyền thông / TP Hồ Chí Minh đề xuất chi 427 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho hơn 1,6 triệu học sinh
Ngày mai (20/10) sẽ kết thúc thí điểm giai đoạn 1 mở lại các đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT kế hoạch khai thác các chuyến bay nội địa sau khi kết thúc thời gian thí điểm.
Đáng chú ý, nếu tình hình dịch bệnh tại các địa phương được kiểm soát tốt, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất các hãng hàng không tổ chức khai thác bình thường đường bay nội địa từ tháng 12/2021.
Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục đề xuất Bộ GTVT xem xét bỏ quy định, xét nghiệm COVID-19, bỏ ngồi giãn cách với khách đi máy bay sau khi kết thúc giai đoạn 1.
Khôi phục bay bình thường từ tháng 12, bỏ giãn cách ghế ngồi
Cục Hàng không vừa trình Bộ GTVT kế hoạch tiếp tục triển khai các đường bay thường lệ giai đoạn sau ngày 20/10 (bắt đầu từ ngày 21/10-30/11/2021).
Theo đó, trên 3 đường bay trục Hà Nội-Đà Nẵng, Hà Nội-TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng-TP Hồ Chí Minh, tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 10% so với trung bình tuần đầu tiên tháng 4/2021 của hãng hàng không đó.
Cụ thể, 6 chuyến/ngày cho mỗi đường bay (Vietnam Airlines 2 chuyến, Vietjet Air 2 chuyến, Bamboo Airways 1 chuyến và Pacific Airlines 1 chuyến). Các đường bay khác mỗi ngày không quá 1 chuyến khứ hồi trên mỗi đường bay đối với mỗi hãng hàng không.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Trong vòng 15 ngày kể từ khi áp dụng, Cục Hàng không sẽ đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác phù hợp.
“Từ tháng 12/2021, nếu tình hình dịch bệnh tại các địa phương được kiểm soát tốt, các hãng hàng không tổ chức khai thác bình thường”, ông Cường thông tin.
Sau giai đoạn thí điểm, từ ngày 21/10, Cục Hàng không đề xuất bỏ yêu cầu giãn cách ghế trên tàu bay, đây cũng là đề xuất được các hãng hàng không liên tục gửi đến cơ quan quản lý trong thời gian qua.
Theo ông Võ Huy Cường, Chính phủ rất quan tâm và ưu tiên kiểm soát dịch bệnh và cũng đã xác định chuyển sang trạng thái mới - không còn khái niệm “Zero Covid”.
Cục Hàng không mong các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để từng bước mở lại các đường bay, chủ động đề ra các biện pháp mở cửa trở lại, tạo hành lang an toàn để người dân, doanh nghiệp đi lại và hoạt động.
“Chúng tôi không thể làm thay các địa phương mà chỉ có thể hỗ trợ về phòng chống dịch bằng cách vận chuyển người có nhu cầu đi lại; đáp ứng yêu cầu của địa phương về tiêu chuẩn kiểm soát dịch; sẵn sàng cung cấp thông tin về lịch trình đi lại của hành khách và dự báo số lượng hành khách trong từng ngày để các địa phương biết mà tính toán chủ động. Từ đó, địa phương có thể cùng Cục Hàng không tính toán, xem xét tăng hay giảm tần suất các chuyến bay cho phù hợp với thực tiễn dịch bệnh”, ông Cường kiến nghị.
Cục Hàng không kiến nghị chỉ xét nghiệm COVID-19 với hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Với các chuyến bay xuất phát từ các địa bàn khác, hành khách cần đáp ứng một trong ba điều kiện: Có chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay.
Hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19; có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Ngoài ra, tất cả hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu. Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác...
Hành khách được yêu cầu luôn đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc trên chuyến bay.
Chuẩn bị sẵn sàng cho mở lại các chuyến quốc tế
Theo ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, ngành hàng không cần chuẩn bị “chuyến bay xanh, hành lang xanh” cho khách.
Dịch COVID-19 là cơ hội cho hàng không Việt chứng minh rằng không những phải đứng vững mà còn phải cạnh tranh quốc tế. Chúng ta cần lấy nội địa để tạo đà cho các chuyến bay quốc tế, đưa hàng không là tự hào của cả Việt Nam mà còn Đông Nam Á.
“Vietnam Airlines hướng đến việc áp dụng chuyển đổi số, đề ra hướng tiếp cận, sử dụng bay dễ dàng cho mọi hành khách. Khi khách hàng đi, đến sân bay đều được công nghệ hỗ trợ, yên tâm hơn đối với chuyến bay của mình”, ông Quang cho biết.
Ngay trong thời điểm dịch bệnh, hãng hàng không Bamboo Airways được Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) cấp giấy phép, đồng ý cho bay thẳng hai chiều Việt - Mỹ từ tháng 9/2021. Ngay sau đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Hoa Kỳ về việc chỉ định Bamboo Airways khai thác các chuyến bay thường lệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đây có thể là những bước “chạy đà” hoàn hảo cho phép nối lại các đường bay quốc tế, đặc biệt là đường bay thẳng Việt-Mỹ mà nhiều hành khách mong đợi lâu nay.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng, hiện nay từ nhà ga đến các hãng bay đều rất sẵn sàng và tự tin có thể mở cửa an toàn, vấn đề còn lại là làm sao để đảm bảo an toàn cho hành khách trong quá trình tham gia chuyến bay.
“Hiện trên thế giới, mức quy định cao nhất để cho phép hành khách đi lại đó là tiêm đủ vaccine 2 mũi, có xét nghiệm trong 72 tiếng trước khi xuất phát và cách ly khi tới nơi. Nếu sân bay ở vùng an toàn, hành khách chỉ cần tiêm 1 mũi và có xét nghiệm. Nếu ở khu vực ‘nóng’ thì cần đủ 2 mũi hoặc nới lỏng theo từng giai đoạn, lộ trình, tình hình chống dịch để điều chỉnh” ông Quân nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, là đơn vị quản lý khai thác vận hành 22 sân bay, từng cảng hàng không đã xây dựng bộ tiêu chí cụ thể và rất dễ nhận diện, khi hành khách đến sân bay sẽ thấy các pano, hướng dẫn tuân thủ 5K. Tại các sân bay đều dán ở những vị trí để hành khách đứng đảm bảo tiêu chuẩn giãn cách. Các khu vực tiếp xúc giữa hành khách và nhân viên sân bay đều có tấm chống giọt bắn, đeo khẩu trang, ứng dụng công nghệ để giảm thiểu tiếp xúc.
Phó Tổng Giám đốc ACV cho rằng, các doanh nghiệp hàng không đã cùng nhau thiết lập một “hành lang xanh” cấu thành từ “con người xanh” (nhân viên hàng không, hành khách), “phương tiện, hạ tầng xanh” (sân bay, máy bay và các phương tiện chuyên chở hành khách) và “quy trình xanh” (giảm thiểu tối đa hạn chế tiếp xúc, tuân thủ quy trình phòng dịch), đảm bảo phục vụ an toàn nhất trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, "Hiện nay, Bộ GTVT đã có hướng dẫn tạm thời mới quy định đối với những hành khách đi xe khách đường bộ, đường thuỷ không phải xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, đối với hàng không, hành khách vẫn phải đáp ứng đầy đủ các quy định bao gồm test COVID-19".
"Sau giai đoạn thí điểm, Bộ GTVT sẽ tổng kết giai đoạn này và có đánh giá để báo cáo Chỉnh phủ xem xét mở rộng thêm các đối tượng đi máy bay và nới lỏng quy định an toàn khi đi máy bay", ông Tuấn cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh