Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ: Phụ huynh trăm nỗi mừng, lo lẫn lộn
Hàng loạt tỉnh, thành phố công bố cấp độ thích ứng an toàn dịch COVID-19 / TP Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn bình thường mới
Bộ Y tế vừacó công văn gửi cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đồng thời đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các phụ huynh có con em trong độ tuổi đến trường. Nhiều người mong muốn con em sớm được tiêm vaccine COVID-19 để có khả năng phòng dịch tốt hơn nhưng cũng không ít ý kiến lo lắng về ảnh hưởng về sau này của vaccine đối với sức khỏe con em mình.
“Trẻ em được tiêm vaccine khiến tôi vừa mừng, vừa lo”
Chị Ngô Minh Hằng (chung cư Hapulico, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, hai con của chị đều trong độ tuổi học THCS nên thông tin tiêm cho trẻ 12-17 tuổi khiến chị rất quan tâm. Các con học online ở nhà đã quá lâu và không được ra ngoài chơi nên chị rất mong muốn cuộc sống trở lại bình thường để các con vừa được đến trường, vừa được ra ngoài chơi.
“Thông tin trẻ em được tiêm vaccine khiến tôi vừa mừng, vừa lo. Lâu nay tôi vẫn nghĩ chúng ta chấp nhận sống chung với COVID-19 nhưng hạn chế được ở mức tối thiểu là tốt nhất. Hạn chế chỉ bằng cách chấp hành khuyến cáo 5K của các cơ quan y tế và tiêm phòng vaccine COVID-19 đầy đủ. Tuy nhiên, khi tiêm cho trẻ, tôi thực sự rất lo, bởi hiện nay chưa có cơ quan nào hay ai đánh giá được tác dụng phụ của vaccine như thế nào, nhất là ảnh hưởng về sau này. Trong khi các vaccine COVID-19 thường được nghiên cứu và sử dụng trong thời gian quá ngắn. Biến chủng của COVID-19 thì liên tục biến đổi phức tạp, việc nghiên cứu và tiêm vaccine sẽ phải chạy theo sự biến đổi này như thế nào? Với người lớn, tiêm là rất cần thiết để tiến tới việc sống chung với COVID-19, nhưng với trẻ em, tiêm như thế nào, ở lứa tuổi nào và thời điểm nào thì nên có nghiên cứu và tiêm một cách thận trọng, không nên tiêm ồ ạt”- chị Minh chia sẻ.
Chị Vy Hà Mai (phường Thịnh Quang, Hà Nội) thì lo lắng, vaccine COVID-19 hiện tại vẫn còn có những tác dụng phụ sau khi tiêm như hiện tượng đông máu, sốc phản vệ hay nguy cơ viêm cơ tim… “Những trường hợp như thế này dù tỷ lệ rất bé nhưng tôi rất lo lắng nếu biết đâu rơi vào con mình. Trường hợp trẻ chẳng may sau tiêm bị viêm cơ tim thì có ảnh hưởng về sau không và ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống như thế nào? Khi vẫn còn nguy cơ xảy ra sau khi tiêm vaccine thì phụ huynh chúng tôi vẫn chưa hết lo lắng”.
Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, chỉ 0.8% trẻ em nhiễm COVID-19 phải nhập viện và 0.01% tử vong. Còn ở Anh, chỉ có 2 trẻ tử vong trong 1 triệu ca mắc ở trẻ. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em tử vong khi mắc cũng rất nhỏ, chủ yếu chỉ là trẻ có bệnh nền. “Theo tôi được biết ở TP.HCM trong đợt rồi có hơn 10 trẻ tử vong thì đều có bệnh lý nền kèm theo. Hầu hết các ca mắc ở trẻ đều bị nhẹ, không có triệu chứng và khỏi bệnh trong thời gian ngắn. Vậy có thực sự cần thiết tiêm cho các em khi chúng ta đã tiêm bao phủ cho người trên 18 tuổi. Đây cũng là vấn đề cần tính toán thận trọng và cân nhắc”- chị Mai nói.
Cùng chung lo lắng, chị Hoàng Thị Hoa, phường Ngã Tư Sở, Hà Nội cho rằng, trẻ con đang ở độ tuổi phát triển cơ thể, trong khi chưa có nghiên cứu, đánh giá về tác hại sau này của vaccine thì với vaccine COVID-19 còn quá mới, liệu có ảnh hưởng sự phát triển của trẻ. “Thực sự tôi rất đắn đo về việc tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi. Trẻ em là tương lai của cha mẹ, là thế hệ tiếp nối của chúng ta, nên mỗi tác động lên các em đều phải được nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng”.
Phải được sự đồng ý của bố mẹ, không nên bắt buộc
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thì lại mong muốn con em mình được tiêm sớm, có như vậy với đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, mới mong muốn có được cuộc sống bình thường. Chị Nguyễn Mai Liễu, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, các loại vaccine khi đưa ra sử dụng đều có cả một quy trình nghiên cứu, phản biện, thử nghiệm nghiêm ngặt và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận cho lưu hành.
“Cha mẹ nào cũng lo lắng cho con em mình nhưng không nên thái quá. Bài học ở nhiều nước khi chưa tiêm dịch bùng phát không kiểm soát chúng ta cũng đã thấy rõ. Nếu người lớn tiêm, trẻ không tiêm sẽ khiến vòng lây nhiễm luẩn quẩn không lối thoát. Như vậy, khó có thể đạt được một cuộc sống bình thường và không biết đến bao giờ trẻ mới được đến trường, được vui chơi như trước khi có dịch. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước, tôi cho rằng tiêm cho trẻ trên cơ sở phải được sự đồng ý của bố mẹ chứ không nên bắt buộc”- chị Liễu nói.
Bác sỹ y khoa Nguyễn Tiến Phúc thì cho rằng, nhiều người đang hiểu nhầm về bản chất của vaccine và cho rằng đó là thuốc gì đó ghê gớm hay nguy hiểm. Thực chất tiêm vaccine cũng chính là đưa virus hoặc vi khuẩn đã làm yếu hoặc một phần virus hay vi khuẩn vào cơ thể. Nói cách khác cũng chính là làm cho cơ thể nhiễm yếu tố gây bệnh nhưng ở mức độ nhẹ từ đó sinh ra miễn dịch mà không bị nặng. Trên một con virus hoàn thiện thì có rất nhiều kháng nguyên như Protein S, Proten N, kháng nguyên màng, kháng nguyên vật chất di truyền… Vì vậy khi cơ thể tiếp xúc với cả con nguyên vẹn sẽ có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và nhiều nguy cơ hơn khi chỉ tiếp xúc với một phần kháng nguyên có trong vaccine. Cho nên trong một cộng đồng mà kiểu gì trẻ con cũng có nguy cơ nhiễm vậy thì nên để trẻ có miễn dịch mà phản ứng nhẹ nhàng hơn là phản ứng nặng.
“Nếu trẻ không được tiêm, dịch lưu hành trong cộng đồng trẻ em trong quá trình sinh hoạt sẽ lây ngược lại người lớn mặc dù cộng đồng người lớn có miễn dịch do tiêm vaccine hay do đã nhiễm trước đó. Mỗi lần lây truyền là một lần có thể có nguy cơ gây ra đột biến. Khi virus lây truyền trong trẻ em, nó vẫn có thể đột biến sang một chủng mới nguy hiểm hơn và có thể kháng lại các vaccine hiện hành”- bác sỹ Phúc nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh