Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp chăn nuôi xin cơ chế để phát triển cơ sở giết mổ

DNVN - Tại hội nghị kiểm soát giết mổ động vật, nhiều doanh nghiệp về lĩnh vực chăn nuôi kiến nghị ngành nông nghiệp, cùng các cơ quan hữu quan, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được tiếp cận những chính sách ưu đãi.

Bệnh viện sản nhi Long An gặp khó khăn, nợ lương 16 tỷ đồng / Lâm Đồng: Huy động hơn 2.700 nhân sự phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 26/6, tại TP Tân An, tỉnh Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị kiểm soát giết mổ động vật. Với sự tham gia của đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh thành khác.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, cả nước có gần 7.000 cơ sở giết mổ động vật có giấy chứng nhận kinh doanh (chiếm 27%) so với hơn 18.000 cơ sở giết mổ động vật không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động (chiếm đến 73%). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm (ATTP) có nguồn gốc từ động vật.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, cả nước hiện có 440 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán tập trung, trong đó có 7 cơ sở dừng hoạt động với nhiều lý do; giết mổ động vật nhỏ lẻ có 24.858 cơ sở. Tại một số địa phương, hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nhiều, không bảo đảm yêu cầu ATTP, trong khi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý, giám sát. Việc chưa xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng giết mổ không phép trên địa bàn vẫn còn phổ biến tại nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Giang cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý thú y trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng, tập trung đánh giá nguy cơ dịch bệnh động vật, ATTP thông qua các hoạt động giám sát trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ động vật, bảo quản, buôn bán sản phẩm động vật...

Ông Lâm cho rằng, Long An vừa tiếp giáp vừa là cửa ngõ phía Tây của TP Hồ Chí Minh. Một số huyện của Long An có khoảng cách khá gần 2 chợ đầu mối lớn nhất của TP Hồ Chí Minh là Bình Điền và Hóc Môn. Ngoài ra, Long An có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia khá dài, cư dân sinh sống tập trung vùng ven biên giới, chăn nuôi trâu bò là chủ yếu.

“Đây cũng là một thách thức lớn đối với tỉnh trong việc phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới. Chính đặc điểm này tạo nên một đặc thù riêng của Long An đối với các nhà đầu tư cơ sở giết mổ”, ông Lâm trình bày.

Tại hội nghị, đại diện Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, An Giang, Thanh Hóa và các tỉnh, thành cũng nêu những khó khăn, đề xuất về việc giết mổ động vật tập trung địa bàn. Đồng thời, đề xuất phê duyệt và xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo hướng công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi tập trung, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn địa phương.

hệ thống thú y các cấp, tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các cơ sở này

Ngành nông nghiệp chỉ đạo hệ thống thú y các cấp, tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các cơ sở giết mổ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Hà - Tổng giám đốc công ty San Hà cho rằng, San Hà có nhà máy giết mổ đạt tại Long An, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh với tổng sản lượng giết mổ trên 60 ngàn con/ngày. Là doanh nghiệp tiên phong sản xuất theo chuỗi khép kín, nhờ vậy công ty đã cung ứng thị trường 150 tấn/ngày và có chuỗi cửa hàng TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An với 45 cửa hàng.

Theo bà Hà, ngành nông nghiệp cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp. Thực trạng còn thiếu nhà máy giết mổ đạt chuẩn phục vụ trong nước và hướng đến xuất khẩu, vì vậy cần chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư ngành nghề này.

“Cái khó hiện nay, chi phí doanh nghiệp hiện nay cao, đòi hỏi doanh nghiệp gánh quá nhiều chi phí trong khi lợi nhuận ngành này còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tự xoay sở nguồn vốn cho việc đầu tư đất đai… Việc tiếp cận các quỹ từ Nhà nước, cũng như hưởng chính sách ưu đãi là chưa có”, bà Hà nêu ý kiến.

Kết luận hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm soát giết mổ động vật. Để làm được điều đó, các địa phương cần có mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, quy trình kiểm soát giết mổ động vật.

“Các tỉnh, thành phố cần tập trung vào cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư vào cơ sở giết mổ tập trung, tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp, tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các cơ sở này. Đồng thời, Cục Thú y tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thú y ở cơ sở và hợp tác với các tổ chức quốc tế để quản lý tốt hơn cơ sở giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh”, Thứ trưởng đề nghị.

Viết Hiếu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm