Tin tức - Sự kiện

Gần 140 triệu lít xăng dầu giả trôi nổi thị trường: Chuẩn bị xét xử “đại gia” trong 18 ngày, vạch ra trách nhiệm quản lý gây hại người tiêu dùng

DNVN - Trịnh Sướng cùng 38 đồng phạm đã tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 133 triệu lít xăng giả, gần 1,6 triệu lít dầu DO giả. Với hành vi này, các đối tượng đã thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó người tiêu dùng phải gánh chịu nguy hiểm đến tài sản, tính mạng, khi mua phải xăng dầu giả, kém chất lượng.

Nghệ An: Một chủ cửa hàng tiêu thụ xăng "giả" ra đầu thú / Bộ trưởng Tô Lâm thông tin về vụ bắt đại gia Trịnh Sướng và đường dây xăng dầu giả

TAND tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức họp báo, thông tin về việc đưa ra xét xử sở thẩm vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả" do Trịnh Sướng (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, trụ sở tại Sóc Trăng), cầm đầu.

Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Xuân Chiến, cho biết, đây là vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” lớn nhất toàn quốc, có tính chất nghiêm trọng, được dư luận quan tâm. Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông theo dõi, chỉ đạo giải quyết.

Ông Trịnh Sướng khi bị bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)

Ông Trịnh Sướng khi bị bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)

Vụ án có 39 bị cáo, 5 tổ chức, 5 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 23 luật sư tham gia bào chữa.

Hội đồng xét xử sẽ có 5 người (2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân). Trong đó, 2 thẩm phán là ông Lương Đức Dương và ông Lê Quốc Hương. Ngoài ra, có 3 kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại tòa.

Ngày 12/1/2021, vụ án sẽ được đưa ra xét xử và dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 18 ngày (đến 29/1/2021).

Theo hồ sơ vụ án, Trịnh Sướng cùng đồng phạm đã tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 133 triệu lít xăng giả, gần 1,6 triệu lít dầu DO giả. Tổng số lượng hàng giả tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.500 tỷ đồng. Trong đó, Trịnh Sướng là bị cáo thu lợi nhiều nhất với 102 tỷ đồng; Lê Văn Hùng là bị cáo thu lợi ít nhất với số tiền hơn 27 triệu đồng.

Trước đó, ngày 22/1/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang 2 nhóm đối tượng có hành vi bán dung môi công nghiệp để các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại tỉnh Đắk Nông pha trộn với xăng rồi bán ra thị trường.

Vụ việc do Hồ Thị Nhân và Nguyễn Văn Hướng điều hành. Kết quả điều tra xác định, nguồn dung môi Nhân mua của vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan, Hoàng Thụy Minh Việt, trú tại tỉnh Đồng Nai. Hướng, Loan và Việt mua dung môi của Công ty Phạm Sơn tại TP. Cần Thơ do Nguyễn Thị Thu Hòa điều hành.

Hóa chất các bị cáo sử dụng pha trộn với dung môi để sản xuất xăng giả.

Hóa chất các bị cáo sử dụng pha trộn với dung môi để sản xuất xăng giả.

Điều tra mở rộng vụ án, công an xác định, Hòa còn bán dung môi cho nhiều tổ chức, cá nhân khác, trong đó có Nguyễn Ngọc Quan, trú tại TP. HCM. Công ty Phạm Sơn mua dung môi của Công ty Bình Minh do Lưu Văn Nguyện trực tiếp điều hành. Ngoài việc bán dung môi cho Nguyễn Thị Thu Hòa, bị cáo Nguyện còn bán cho Trịnh Sướng và Đinh Chí Dũng, trú tại TP. HCM.

Trong các ngày 28, 29 và 30/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp các nhóm đối tượng Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Trịnh Sướng khi đang thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn TP. HCM, Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang.

Xăng giả, kém chất lượng được cho là một trong những nguyên nhân gây cháy phương tiện.

Xăng giả, kém chất lượng được cho là một trong những nguyên nhân gây cháy các loại phương tiện khi đang lưu thông.

Mấy năm trở lại đây, tại nhiều địa phương đã xảy ra các vụ phương tiện giao thông “bỗng dưng bốc cháy”. Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gây cháy là do chất lượng xăng dầu bán trên thị trường không đảm bảo.

Từ đó, ngành chức năng đã vào cuộc và phanh phui nhiều vụ kinh doanh xăng giả, xăng kém chất lượng. Đơn cử như tháng 10/2017 phát hiện vụ pha chế, tiêu thụ 2 triệu lít tại Nghệ An; năm 2019 triệt phá đường dây pha chế và tiêu thụ xăng dầu giả của Trịnh Sướng…

Từ các vụ buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm do hành vi trái pháp luật này gây ra, gây thiệt hại cho nền kinh tế và nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của người tiêu dùng.

Các chuyên gia kinh tế và môi trường cho rằng, hành vi pha chế, tiêu thụ xăng giả, xăng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại kinh tế của nhà nước và người tiêu dùng, mà đây còn là hành vi hủy hoại môi trường, bởi khi bị đốt cháy, xăng giả thải ra môi trường nhiều tạp chất độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm không khí, đất đai... lâu dài.

 

Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải có biện pháp xử lý có tính chất răn đe nghiêm, bên cạnh xử phạt hành chính cần xử lý hình sự với các tình tiết tăng nặng đủ để những kẻ buôn bán xăng giả phải "chùn tay" vì lo sợ.


Hữu Phước
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm