Tin tức - Sự kiện

Gian nan trong việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam

DNVN - Tín chỉ carbon được xem là "chứng chỉ xanh", "trái phiếu xanh", được các doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới mua để bù trừ cho lượng phát thải (khí CO2- khí gây hiệu ứng nhà kính). Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu nhiều quy định để hình thành thị trường tín chỉ carbon trong nước.

Hà Nội sẽ xóa bỏ hoàn toàn 15.000 bếp than tổ ong gây ô nhiễm môi trường / Giảm thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay để gỡ khó cho doanh nghiệp hàng không

Thực trạng thị trường tín chỉ carbon (CO2) ở Việt Nam

Tín chỉ carbon được hiểu là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu nó sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính. Những công ty, doanh nghiệp gây ô nhiễm được quy định hạn mức thải CO2 nhất định, nếu muốn thải quá hạn mức thì phải mua thêm hạn mức thông qua tín chỉ carbon.

Theo Bộ NN & PTNT, phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam không chỉ phù hợp với xu thế của thế giới, mà sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.

Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon rừng được hình thành trên nguyên tắc là các khu vực và quốc gia phát thải khí nhà kính lớn sẽ phải mua quyền lưu giữ carbon rừng, hay tín chỉ carbon tại các quốc gia phát thải thấp và có độ che phủ rừng cao.

Theo đó, các đơn vị, địa phương có rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý và bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon thông qua cơ chế giảm phát thải do phá rừng và thoái hóa rừng, viết tắt là REDD. Thời điểm hiện tại, giá tạm tính là 5 USD/tấn CO2. Theo tính toán sơ bộ, nếu nơi nào có diện tích hàng nghìn ha rừng thì lợi ích từ việc giao dịch tín chỉ carbon là không nhỏ.

Thống kê sơ bộ, trữ lượng rừng năm 2020 là khoảng 990 triệu m3 và dự kiến 10 năm tới con số này tăng lên 1.250 triệu m3. Nhiều chuyên gia nhận định, đây được coi là nguồn tài nguyên mới, nếu biết khai thác thì sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.

Tại hội nghị các nước thành viên Quỹ Carbon lần thứ 17, trong bối cảnh nguồn kinh phí của Quỹ Carbon có hạn, lựa chọn đề xuất của các quốc gia để đưa vào danh mục đầu tư của quỹ được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh thì Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là một trong 8 nước trên thế giới (tính đến thời điểm này) được Quỹ Carbon thông qua văn kiện chương trình là một kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của Bộ NN&PTNT, các tỉnh và các bên liên quan.

Nếu chúng ta thực hiện tốt thì theo tính toán, tới năm 2025, chương trình sẽ mang lại 24,6 triệu tấn giảm phát thải sau khi đã trừ 25% dự phòng. Trong đó, 10,3 triệu tấn chuyển nhượng cho Ngân hàng thế giới theo hợp đồng chi trả giảm phát thải do hai bên ký kết (ERPA), phần có lại có thể bán cho các đối tác khác. Đây chính là giá trị gia tăng của rừng không chỉ là đơn thuần về lợi ích kinh tế mà hơn nữa còn được ghi nhận là đóng góp của quốc gia đối với ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ carbon rừng ở nước ta vẫn chưa được hiện thực hóa vì những quy định chi tiết để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước chưa được hoàn thiện, gây nhiều khó khăn cho các địa phương.

Theo các chuyên gia, theo lộ trình mà Bộ tài nguyên và môi trường đang xây dựng thì phải mất 6 năm nữa Việt Nam mới có thể hình thành thị trường Cacbon.

Các chuyên gia nhận định, theo lộ trình mà Bộ tài nguyên và môi trường đang xây dựng thì phải mất 6 năm nữa Việt Nam mới có thể hình thành thị trường carbon.

Nhiều gian nan trong việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng

Tuyên Quang là tỉnh dẫn đầu cả nước về mật độ che phủ rừng. Mỗi năm có khoảng 4 triệu tín chỉ carbon để bán. Khách hàng, doanh nghiệp có nhu cầu về mặt hàng này rất nhiều. Tuy nhiên, để biến tín chỉ carbon thành hàng hóa để sinh lời thì hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng.

Bà Mai Thị Hoàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang khi trả lời báo chí cho biết, để được phép thương mại CO2, tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương hoàn thiện các quy định để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước. Từ đó để tính Tuyên Quang có căn cứ để thực hiện thương mại CO2 trong nước quốc tế.

Ngoài những khó khăn về tính pháp lý để được xác nhận, định lượng, công nhận quyền sở hữu tín chỉ carbon, tạo điều kiện giao dịch, mua bán, thì các địa phương cũng cần phải hoàn thiện cơ chế quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đáng tin cậy hơn.

Cùng với đó, muốn bán được tín chỉ carbon, không những các đia phương phải có đủ diện tích rừng, mật độ cây rừng tự nhiên đủ tạo ra trữ lượng cả triệu tấn khí ôxy - O2, mà còn phải chứng minh được mình là địa phương có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tốt, phát triển, khai thác rừng bền vững.

Nếu như bán tín chỉ carbon mà liên tục để xảy ra các vụ khai thác gỗ trái phép, cháy rừng tan hoang, hay trồng cây gỗ nhỏ sản xuất, để rồi chỉ 3-5 năm lại khai thác, trọc hóa, sạt lở tan nát mỗi mùa mưa bão... thì khó tạo được giá trị bền vững, niềm tin cũng như uy tín ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Đại diện Bộ NN & PTNTcũng cho biết, hiện trên cả nước có khoảng 3 vùng đã sẵn sàng bán tín chỉ carbon từ rừng. Vùng có trữ lượng lớn nhất là vùng đông bắc, có khoảng 21 triệu tấn carbon mỗi năm. Tuy nhiên, việc bán tín chỉ carbon chưa thể áp dụng đại trà được vì còn thiếu quy định về quyền sở hữu tín chỉ carbon hay quy định tài chính từ nguồn thu này.

Các chuyên gia nhận định, theo lộ trình mà Bộ tài nguyên và môi trường đang xây dựng thì phải mất 6 năm nữa Việt Nam mới có thể hình thành thị trường carbon.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm