Giáo dục

“Chóng mặt” với lạm thu quỹ lớp, quỹ trường: Phụ huynh phải mua cả máy tính, máy chiếu, bóng đèn

DNVN - Đến hẹn lại lên, cứ mỗi mùa năm học mới bắt đầu, tiếp sau câu chuyện sách giáo khoa với nhiều bất cập thì câu chuyện quỹ lớp, quỹ trường năm nào cũng nóng với các vị phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh chán nản với câu chuyện dài kỳ bởi nhiều khoản quỹ phải đóng theo kiểu ‘tự nguyện kiểu bắt buộc’.

Hà Nội: Thu giữ hàng tấn sách giả nguồn gốc NXB Giáo dục Việt Nam / Hà Giang: Giữ tỷ lệ học sinh tại các trường phổ thông dân tộc bán trú đạt trên 98%

Trong một bản dự trù kinh phí ở trường một trường tiểu học ở Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội cho việc lắp đặt trang thiết bị lớp 1 lên tới 25 triệu đồng, mỗi cha mẹ học sinh phải đóng 700.000 đồng, bao gồm nhiều khoản mục khá bất ngờ như: Mua máy tính, thay bóng chiếu và bảo dưỡng máy chiếu, thi công hệ thống chiếu sáng và cả tiền điện. Đó là chưa kể Quỹ lớp bao gồm các khoản mục như tổ chức các hoạt động cho các con, tổ chức sinh nhật, mua quà cho nhà trường, thầy cô giáo,… và rất nhiều khoản chi không tên khác lên tới hơn 1 triệu đồng cho một kỳ học.

Bản dự toán chi phí lắp đặt trang thiết bị lớp 1 ở trường Tiểu học Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội (hình ảnh do phụ huynh cung cấp).

Bản dự toán chi phí lắp đặt trang thiết bị lớp 1 ở trường Tiểu học Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội (hình ảnh do phụ huynh cung cấp).

Rất nhiều phụ huynh thắc mắc nhưng nhiều khi lại ngại ý kiến bởi những đồ dùng như máng đèn, hệ thống chiếu sáng đã nằm trong kinh phí xây dựng trường hàng năm. Còn những trang thiết bị như máy chiếu, bóng chiếu, máy tính liệu có phải những trang thiết bị bắt buộc cho việc giảng dạy lớp một hay không, họ cũng không nắm được. Hơn nữa khoản phí này chỉ đóng một lần, hay tiếp tục phải đóng những năm học sau, cũng không hề được giải thích.

Một khoản thu khác khiến nhiều phụ huynh có con đi học đều bận tâm đó là ngoài Bảo hiểm y tế (bắt buộc) thì nhiều trường còn yêu cầu học sinh phải mua Bảo hiểm thân thể. Tại một trường tiểu học tại Hà Nội, nhà trường ra thông báo nhà trường yêu cầu 100% học sinh phải mua hai loại bảo hiểm với mức phí là hơn 700.000 đồng/học sinh.

Như vậy cùng với một khoản Quỹ lớp dùng để tổ chức các hoạt động theo lớp cho học sinh (trung thu, 20/11, Noel, sinh nhật..) khoảng 1 triệu đồng/kỳ, thì tổng các loại phí ‘tự nguyện’ mà phụ huynh học sinh phải đóng lên tới vài triệu. Đây dù là khoản phí trên danh nghĩa tự nguyện “vì con em chúng ta” nhưng lại không thể không móc hầu bao. Đây là nỗi trăn trở với nhiều gia đình cho thu nhập trung bình, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh, việc làm bị ảnh hưởng nhiều, việc lo tiền đóng các khoản quỹ, mua đồng phục, mua sách giáo khoa đầu năm là một mối lo không hề nhẹ với nhiều gia đình.

Theo gia đình anh C.P ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, nhà anh có 2 con học tiểu học và trung học cơ sở đều học trường công đúng tuyến. Đầu năm học mới, bé tiểu học đóng hết 750.000 đồng quỹ lớp, quỹ trường các loại; bé lớn học trung học cơ sở thì đóng tới 1.650.000 đồng. Đó là chưa kể tiền đồng phục bé tiểu học hết gần 1,1 triệu đồng, bé lớn hết 1,6 triệu đồng. Tiền sách giáo khoa các loại, tiền vở và dụng cụ học tập đầu năm học mới cũng vài triệu. “Dù con tôi học trường công, nhưng các khoản đóng góp đầu năm cũng khá nhiều, lo chóng hết cả mặt. Nếu học trường dân lập hay bán công thì chi phí còn lớn hơn nhiều”, anh C.P cho biết.

Điều này không chỉ diễn ra tại các trường phổ thông mà ngay cả ở trường mầm non tại quận Đống Đa, trong học kỳ hai năm học 2020, do dịch bệnh diễn ra mà học sinh hầu hết đều nghỉ học dài ngày, thế nhưng để hợp thức hóa Quỹ phụ huynh đã đóng 700.000 đồng từ đầu học kỳ 2, nhà trường đã kê khai các khoản chi như mua máy đo thân nhiệt, vệ sinh khử khuẩn trường lớp, mua đồ bảo hộ cho thầy cô giáo, hỗ trợ các thầy cô tập huấn chống dịch… những khoản phí mà phụ huynh không thể nào hiểu nổi tại sao lại chia chi phí lên đầu học sinh.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định văn bản pháp luật đã có rất rõ ràng, nhưng có lẽ không cần phải khảo sát hàng triệu phụ huynh học sinh thì mới biết được rằng hầu hết phụ huynh đều không nắm được những quy định cụ thể này, hơn nữa cũng càng không biết được những khoản thu chi minh bạch, có chăng là những báo cáo tóm tắt cuối kỳ, cuối năm mà nghe ai cũng không ai có thể nhớ, có chăng chỉ là kêu than rồi lại rút hầu bao bởi không thể để con mình được nêu tên điểm danh chỉ vì bố mẹ chưa đóng quỹ.

Quỹ phụ huynh được phép thu những khoản nào?

Tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 10, Thông tư số Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như sau:

2. Quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại điện cha mẹ học sinh:

a) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến;

b) Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

3. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

4. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm