Giáo dục

Loạn sách giáo khoa, sách tham khảo: Cả phụ huynh và giáo viên hoang mang

DNVN - Câu chuyện sách giáo khoa ở Việt Nam bao nhiêu năm qua vẫn luôn đặt ra nhiều vấn đề nhất là vào thời điểm năm học mới. Gần đây, thông tin một bộ sách giáo khoa lớp 1 lên tới 807.000 VNĐ đã gây xôn xao cộng đồng mạng và cơ quan quản lý đã phải vào cuộc, quy định về việc mua sách giáo khoa bắt buộc và sách giáo khoa tham khảo.

Đà Nẵng: Không để học sinh phải đứng dưới nắng, mưa chờ được đo thân nhiệt / Hà Nội: Thu giữ hàng tấn sách giả nguồn gốc NXB Giáo dục Việt Nam

Tuy nhiên, sự vào cuộc này lúc nào cũng muộn, bởi khi học sinh đã tới lớp, phụ huynh cũng đã phải chi trả cả triệu đồng cho sách, vở và các dụng cụ học tập khác, cùng với những khoản phí khổng lồ hàng năm. Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có những sự bất cập như vậy.

Cả giáo viên và phụ huynh hoang mang khi phải mua quá nhiều sách

Từ năm học 2020 – 2021, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 chương trình phổ thông mới chính thức được triển khai, Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa mới, trong đó chỉ riêng NXB Giáo dục Việt Nam đã có 4 bộ là "Kết nối tri thức với cuộc sống"; Bộ SGK "Chân trời sáng tạo"; Bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực”; Bộ SGK "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Bộ sách còn lại là "Cánh Diều", sản phẩm hợp tác của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, mỗi trường sẽ phải lập một hội đồng ít nhất mười một người để chọn SGK. Trong đó, có ít nhất 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên. Không ít địa phương đã yêu cầu giáo viên phải đọc hết 38 cuốn SGK lớp 1 để giúp ban giám hiệu chọn ra bộ SGK. Riêng việc phải đọc hết 38 cuốn SGK đã là điều không dễ dàng về thời gian với các thầy cô và việc chọn SGK nào cho năm học mới thực sự là một thách thức.

Chị Thu Hà, một giáo viên tiểu học ở quận Đống Đa cho biết, vào thời điểm tháng 5 khi đang chuẩn bị cho các bạn học lên lớp, chấm thi cùng nhiều kế hoạch cho năm học mới, chị cũng cảm thấy hoang mang khi chưa biết sẽ dạy theo bộ SGK nào, cùng với việc mỗi bộ sách giáo viên phải được tập huấn và thống nhất phương pháp giảng dạy. Cũng có thể do tình hình dịch bệnh năm nay nên các kế hoạch đều bị đẩy lùi nhưng chính những giáo viên như chị cũng hoàn toàn bị động.

Còn đối với rất nhiều phụ huynh, những người mà thời niên thiếu của họ, đi học khi chỉ có 1 bộ SGK duy nhất, truyền từ đời anh sang đời em. Họ cũng chính là những người rời xa hệ thống giáo dục khá lâu và mới tìm hiểu trở lại khi con vào lớp 1 thì việc có tới 4 bộ sách giáo khoa cũng làm họ hoang mang.

Chị Hương Giang đã mất rất nhiều thời gian cân nhắc chọn trường cho con vào lớp một, và cũng hoang mang trước “rừng” thông tin vì SGK. Chị Giang cho biết: “Tôi rất hoang mang khi biết tin bây giờ có tới 5 bộ SGK, tôi cũng không hiểu sự khác biệt của các bộ sách khi cơ bản học sinh lớp 1 phải học đọc và học viết, liệu các bộ sách khác nhau có mang lại những cách giáo dục khác nhau không, và các cháu có những tư duy, kiến thức khác nhau không? Ngoài việc lo lắng cho con đi học vào thời kỳ dịch bệnh, thì sách giáo khoa cũng làm tôi phải đau đầu.”

Thông thường, một trường sẽ lựa chọn 1 bộ SGK cho việc giảng dạy, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Rất nhiều trường lựa chọn một số sách chính trong một bộ sách, và một số trong các bộ còn lại để phù hợp với tiêu chí giáo dục và do sự thống nhất của giáo viên trong trường. Điều này cũng không đi trái lại quy định. Như vậy ngay trong một thành phố, một quận thì tuy cùng với mục tiêu đào tạo tiểu học, đã có những sự khác biệt nhất định, khó thông nhất.

Điều này vô tình lại gây khó khăn cho những học sinh chuyển trường, mà điều này là không thể tránh khỏi. Tuy số lượng học sinh chuyển trường trong một năm học, hay một cấp học không nhiều, nhưng không phải không có. Các em sẽ rất khó để có thể nhanh chóng tiếp cận với những chương trình, SGK mới.

Anh Mạnh Hà, phụ huynh một học sinh sắp vào lớp 1 cho biết “Khi tôi tham khảo các bộ SGK, thì đối với môn Toán, có bộ trẻ sẽ học cộng trừ trong phạm vi 10, nhưng lại có bộ cộng trừ trong phạm vi 20. Nếu học sinh chuyển trường từ nơi học bộ sách trong phạm vi 10 thì sang trường học phạm vi 20 sẽ rất khó cho các cháu, và ai sẽ có trách nhiệm dạy bù cho các cháu?” Vấn đề từ 10 tới 20 tuy nhỏ nhưng cũng chỉ ra rất nhiều bất cập trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam.


Loạn sách giáo khoa, sách tham khảo

Theo giá niêm yết của Nhà xuất bản Giáo dục thì Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, gồm 10 cuốn, giá 179.000 đồng; bộ Chân trời sáng tạo, gồm 9 cuốn, giá 186.000 đồng; bộ Cùng học để phát triển năng lực, gồm 10 cuốn, giá 194.000 đồng; bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, gồm 9 cuốn, giá 189.000 đồng. So với bộ SGK lớp 1 của năm học trước, giá SGK đã cao hơn hẳn. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, khác với việc cả nước chỉ có một bộ SGK, khi có nhiều bộ SGK cùng được xuất bản như hiện nay, sản lượng phát hành của mỗi bộ SGK sẽ giảm đi, các khoản chi phí tổ chức bản thảo được phân bổ theo sản lượng đó sẽ cao hơn so với SGK hiện hành. Sự không minh bạch trong giá SGK cũng khiến Bộ Tài chính phải có ý kiến phải áp mức giá trần để phù hợp với mức chi trả của người dân.

Tới đầu tháng 9, khi trẻ em nô nức tới trường chào đón năm học mới, nhưng cuộc họp phụ huynh trên khắp đất nước diễn ra thì thông tin 800.000 đồng một bộ SGK với 25 đầu sách trong Thành phố Hồ Chí Minh được đưa lên mạng, những ý kiến băn khoăn về SGK lại một lần nữa xôn xao.

Tuy được lý giải rằng đây chỉ là hiểu lầm do danh mục này bao gồm nhiều sách tham khảo không bắt buộc mua, nhưng điều này không làm cho phụ huynh thỏa mãn. Chị Thu Thảo phụ huynh của 3 đứa con, bạn bé nhất cũng vào lớp 1 trong năm nay bức xúc “Khi chúng tôi được thông báo mua sách giáo khoa, chúng tôi cũng chỉ nắm dược đó là những sách cần thiết cho con cái, nhà trường cũng có bao giờ thông báo đâu là danh mục bắt buộc, đâu là danh mục không bắt buộc. Hơn nữa, khi đưa danh mục chung như vậy, chúng tôi cũng đều cố gắng mua cho con, đâu thể khi tới lớp bạn có sách, bạn không có sách được. Gia đình tôi có 3 cháu những chưa cháu nào được sử dụng lại sách của anh chị, năm nào tôi cũng mua mới rồi bỏ đi, thật hết sức lãng phí.”

Trong những danh mục sách phải mua của mỗi trường đưa ra thì số đầu sách giáo khoa lên tới hàng chục quyển, phụ huynh khó lòng phân biệt được đâu là sách bắt buộc, đâu là sách tham khảo. Theo nhiều phụ huynh, những năm học trước, vì có quá nhiều sách vở, có những đầu sách cả năm chẳng được mở ra. Điều đáng quan tâm hơn là chất lượng giáo dục có đi kèm với giá tiền mua sách hay không thì lại càng chưa được bàn đến.

 


Cùng với SGK, đồ dùng học tập với nhiều tên gọi na ná nhau như bộ đồ dùng toán tiếng việt, bộ hình khối lớp 1, giá lên tới vài trăm ngàn. Vên việc phải chi trả hàng triệu đồng cho con bắt đầu năm học mới khiến phụ huynh thực sự hoang mang và đau đầu. Ở thành phố, khoản chi phí này đã lớn chứ chưa nói ở những vùng nông thôn và gia đình khó khăn.

Đối với những lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 như anh Tuấn - một nhân viên nhà hàng nhưng nay phải chạy Grab để duy trì cuộc sống bày tỏ “Tôi rất muốn mua cho con tôi đầy đủ nhất, bởi đây là năm học đầu tiên trong cuộc đời đi học của cháu, nhưng quả thật năm nay chi tiêu gia đình đã gặp nhiều khó khăn. Mà riêng việc đi học tại trường công lập của cháu đã tốn hàng triệu đồng, tôi cũng rất lo lắng, không biết trong năm học còn phát sinh chi phí gì không. Hai năm nữa, tới em cháu cũng tới tuổi đi học, tôi thật sự không biết làm sao để con mình được bằng bạn bằng bè.”

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm