Giáo dục

Các trường đại học Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập

DNVN - Đại diện các trường đại học Ngoại thương, Bách khoa cho biết, sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

Covid-19 làm gia tăng số hộ nghèo tạm thời về thu nhập, các vấn đề về bất bình đẳng giới / Sắp thay đổi hình thức thưởng, phạt học sinh ở trường học

Tình trạng lây lan và tỉ lệ tử vong của đại dịch Covid-19 tại nhiều nước tăng cao, cùng với đó một số nước tạm thời không tiếp nhận học sinh nước ngoài đã khiến nhiều du học sinh Việt Nam mong muốn được trở về nước để học tập.

Các khách mời tham gia tọa đàm: PGS.TS Vũ Thị Hiền (Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Phong Điền (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo (ĐH Quốc gia Hà Nội).

PGS.TS Vũ Thị Hiền (Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Phong Điền (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Tại buổi Tọa đàm về chủ đề: “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 23/7/2020, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ: “Trường Đại học Ngoại thương có một chương trình trao đổi sinh viên quốc tế với số lượng lớn. Hàng năm, Trường Đại học Ngoại thương tiếp đón gần 1.000 sinh viên quốc tế và gửi ra nước ngoài từ 1 học kỳ đến 1 năm khoảng hơn 200 sinh viên. Trường cung cấp hai cơ hội. Một là học tập ngắn hạn tại trường (từ 1 kỳ đến 1 năm). Sinh viên sẽ được tham gia học tập 15 chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài như tiếng Anh, Nhật, Pháp, Trung Quốc; cùng với đó có 9 chương trình cử nhân, 5 chương trình thạc sĩ đào tạo với nước ngoài. Hai là các du học sinh có thể quyết định học tại Việt Nam để lấy bằng được đạo tạo liên kết với nước ngoài.”

Trường ĐH Ngoại thương có 200 đối tác trên thế giới, sinh viên nếu học tại trường của 200 đối tác này ở nước ngoài có thể nhờ trường tiến cử về Trường ĐH Ngoại thương học mà không mất học phí. Nếu là sinh viên học ngoài trường của 200 đối tác, các em vẫn có thể đăng ký học có phí, kết thúc sinh viên nhận chứng nhận hoàn thành khóa học tương ứng để mang sang các trường mà sinh viên đã học để được công nhận.

Bà Hiền nhấn mạnh: “Trường Đại học Ngoại thương có một cách tiếp cận rất cởi mở. Sinh viên sẽ được tự xây dựng một chiến lược học tập cho cá nhân mình trong toàn bộ các chương trình liên kết đào tạo, để có thể đạt được tín chỉ cao nhất trong thời gian học tại Đại học Ngoại thương, sau đó tiếp tục quá trình công nhận tín chỉ để tiếp tục lấy bằng ở nước ngoài”.

 

Đối với trường hợp học sinh ở nước ngoài hoàn thành chương trình trung học phổ thông, bà Hiền cho biết, các em hoàn toàn có thể dùng các chứng chỉ quốc tế để xét tuyển vào các trường đại học Việt Nam. Số lượng các trường đại học ở Việt Nam đang dùng chứng chỉ này ngày càng tăng nên các bạn có rất nhiều lựa chọn để vào các trường đại học tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chia sẻ: “Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã sẵn sàng để tiếp nhận, hỗ trợ tất cả các sinh viên, lưu học sinh tại nước ngoài về nước học tập với 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh chủ yếu là các ngành mũi nhọn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, 10 chương trình liên kết quốc tế với 4 ngôn ngữ giảng dạy là Anh, Pháp, Đức, Nhật. Nhà trường hướng dẫn chi tiết về chương trình và thủ tục cho sinh viên đồng thời cung cấp cho lưu học sinh cách thức học như hình thức chuyển trường, thi tuyển đầu vào căn cứ vào các tín chỉ đánh giá theo năng lực theo các tổ chức khảo thí quốc tế như SAT, ALEVEL hoặc sinh viên chỉ học ở Đại học Bách Khoa Hà nội một thời gian như một học kỳ để nhận được chứng chỉ hoàn thành chương trình học.

Đại học Bách Khoa Hà Nội có một số lĩnh vực mũi nhọn nằm trong TOP 350-500 của thế giới như Toán học, Cơ khí hàng không, Công nghệ thông tin và Điện- điện tử,... nên việc công nhận tín chỉ tương đương với các trường khác ở nước ngoài cũng thuận lợi.

Bên cạnh đó, hình thức chuyển trường, thi tuyển đầu vào, sử dụng chứng chỉ quốc tế hoặc chỉ học một học kỳ để nhận chứng chỉ, nhà trường cũng đã có hướng dẫn chi tiết để sinh viên có thể chuyển đổi”.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đây là một thách thức và cũng là cơ hội để cho sinh viên nhìn nhận lại giáo dục đại học ở Việt Nam. Các em có thể trải nghiệm 1 học kỳ hoặc toàn bộ chương trình học để thấy rằng đại học ở Việt Nam cũng có những chương trình học sánh ngang và đạt được đẳng cấp quốc tế.

 

Bên cạnh đó, các trường đại học trong cả nước triển khai tối đa công nghệ giáo dục hiện đại, tiến tiến trong hoạt động giảng dạy như dạy trực tuyến, thí nghiệm ảo hay đưa những nội dung dự định triển khai trong khoảng 2, 3 năm tới vào khai thác trong thời gian sớm hơn. Đó cũng là một bước nhảy vọt trong việc giảng dạy tiệm cận nhanh tới các phương thức giảng dạy tiên tiến.

Trả lời vấn đề số lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết cả nước có tất cả 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, bậc đại học có 195 chương trình, bậc thạc sĩ có 150 chương trình, bậc tiến sĩ có 7 chương trình. Mỗi năm Bộ GD-ĐT sẽ phê duyệt thêm khoảng 40 chương trình đào tạo quốc tế mới, trong quá trình đó cũng xem xét ra hạn, điều chỉnh 10 đến 20 chương trình và có khoảng gần 30 chương trình dừng tuyển sinh.

Nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học của giảng viên và sinh viên, nhu cầu kinh tế xã hội và tốc độ phát triển khoa học công nghệ, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét ra hạn, điều chỉnh 10 đến 20 chương trình và có khoảng gần 30 chương trình dừng tuyển sinh.

Bà Thủy cho biết thêm: “Đối với trường hợp du học sinh đã được tuyển đầu vào ĐH ở nước ngoài, khi về Việt Nam học vẫn phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.

Bên cạnh đó, các trường ĐH của Việt Nam cũng cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung và yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành”.

 

Lê Hằng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm