Giữ vững bình ổn giá trong điều kiện có thể, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế
Cà Mau: Mưa giông trái mùa làm sập và tốc mái hàng chục căn nhà / Quảng Nam đồng ý đắp đập tạm trên sông Quảng Huế năm 2022
Tại cuộc họp, nhấn mạnh "khó nhất là vấn đề giá xăng dầu", cácbộ ngành đề xuất một số giải pháp quan trọng về quản lý giá và bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng liên tục, tăng rất cao; quản lý thị trường xăng dầu, ngăn chặn tình trạng găm hàng; tăng cường kết nối cung cầu, thực hiện tốt công tác lưu thông, bảo đảm các loại hàng hóa chiến lược, thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá; quản lý giá cước vận tải, vật liệu xây dựng; bảo đảm về vật tư, trang thiết bị y tế, kit-test, thuốc chữa bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, chăm sóc sức khỏe nhân dân;…
Đại diện các bộ, ngành đề xuất, trong thời gian tới, các bộ ngành cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, thế giới để chủ động, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong công tác điều hành giá; sẵn sàng các kịch bản điều hành giá trước các biến động; tăng cường công tác thông tin truyền thông về điều hành giá công khai, minh bạch, kịp thời, xác thực để nhân dân hiểu, ủng hộ công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước, không để nhiễu loạn thông tin, gây ra những ảnh hưởng không đáng có;…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: năm 2022 diễn biến hết sức phức tạp. Các hàng hóa dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào có chiều hướng tăng cao. Nguyên nhân chính là do các nước phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Vừa rồi, giá xăng dầu tăng rất cao, kéo theo tăng giá năng lượng. Ngày 24/2 giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng; từ ngày 11/1-21/2, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45-20,88%.
Bên cạnh đó, trước tình hình áp lực lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương của các nước có động thái thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất để ứng phó. Theo đánh giá của báo cáo triển vọng kinh tế tháng 1/2022, các nước phát triển dự báo lạm phát tăng khoảng 4%, các thị trường mới nổi tăng gần 6%. Chúng ta là nền kinh tế mở, nên chịu tác động rất mạnh, áp lực lớn đối với công tác điều hành giá.
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo điều hành giá và cơ quan chức năng đã theo dõi sát tình hình và có chỉ đạo kịp thời, trên cơ sở đó các bộ ngành, địa phương đã tích triển khai các giải pháp điều hành giá. Trong tháng 1, CPI chỉ tăng khoảng 0,19%, nhưng dự báo tháng 2 sẽ tăng cao, trong 2 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng khoảng 1,6-1,7%, do đó chúng ta cần hết sức quan tâm, tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp.
Theo Phó Thủ tướng trong điều hành chính sách tài khóa, những tháng gần đây, nhiều chính sách được triển khai rất kịp thời, nhanh chóng. Đơn cử như chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/1-31/12 để hỗ trợ các hãng hàng không đang gặp khó khăn do đại dịch (khoảng 1.500 tỷ đồng). Hay việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, chỉ sau 18 ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 (ngày 11/1/2022), Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP, ngày 28/1/2021 giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hóa, dịch vụ và cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022. Dự kiến chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng.
Phân tích thêm về mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng đánh giá, đây là mặt hàng thiết yếu, chịu tác động rất lớn của giá cả trên thị trường thế giới. Trên thị trường thế giới, từ ngày 11/1-21/2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45-20,88%, nhưng giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59-14,04%. Điều này chứng tỏ chúng đã điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ "chịu đựng được", thấp hơn các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, việc giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu một số nước láng giềng có thể dẫn tới tình trạng buôn lậu mặt hàng này qua biên giới. Do đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Vừa qua có tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu găm hàng, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến. Thí dụ như cả Thành phố Hồ Chí Minh có 458 đầu mối, chỉ có 8 cơ sở găm hàng, ngừng bán… Hiện tượng này xảy ra không phải là do thiếu nguồn cung, hay doanh nghiệp cố tình găm hàng để đẩy giá lên (vì giá xăng do nhà nước định giá theo kỳ điều hành, niêm yết theo quy định) mà là do nhận thức của người kinh doanh. Đây là hành vi kinh doanh không đúng quy định của pháp luật. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi sai phạm hoặc phát hiện thông qua phản ánh của báo chí sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân… Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật, phối hợp cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ.
Đối với mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh, vừa qua có tình trạng mặt hàng kit xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá cục bộ ở một số thời điểm, dư luận rất quan tâm. Tại Nghị quyết 12/2021/UBTVQH, mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế… Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là mặt hàng kit-test.
Về dự báo tình hình trong quý II và 10 tháng còn lại năm 2022, áp lực lạm phát tăng cao, cần phải theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp. Theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá. Tuy nhiên các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100 USD/thùng). Hiện nay giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, "lường trước tình huống xấu hơn" để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Về một số giải pháp điều hành giá trong thời gian tới, trước tiên Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022 về công tác điều hành giá năm 2022. Căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai các giải pháp giữ vững bình ổn giá trong điều kiện có thể để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân, phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát các lạm phát cơ bản tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát chung.
Thứ hai, theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, không thể để thiếu. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước. Về giá, cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.
Thứ ba, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, giám sát, điều hành, kiểm soát giá theo đúng quy định của pháp luật về giá, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch.
Thứ tư, đối với một số dịch vụ công nhà nước định giá theo lộ trình thị trường, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, chuẩn bị các yếu tố để có giải pháp phù hợp trong điều kiện thích hợp.
Thứ năm, Bộ Tài chính bám sát nội dung Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 3/12/2021 của Chính phủ, phối hợp các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu dự thảo Luật giá (sửa đổi) theo đúng tiến độ, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, quyền lợi hợp pháp của người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giá.
Các bộ ngành theo dõi quản lý giá một số mặt hàng: điện, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, vật tư y tế, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh… theo đúng Văn bản 882/VPCP-KTTH, tránh tình trạng tác động cộng hưởng đối với công tác điều hành giá thời gian tới.
Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đặc biệt là kiểm tra các yếu tố hình thành giá đối với những mặt hàng không thuộc diện kê khai giá; phát huy vai trò của lực lượng thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương, quản lý thị trường, cùng với báo chí tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos