Tin tức - Sự kiện

Hà Nội: Kịch bản xấu với 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chuẩn bị các phương án ứng phó

DNVN - Dự báo thị trường lao động Hà Nội trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đưa ra 3 kịch bản. Trong đó, kịch bản xấu là Hà Nội xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, kéo theo thị trường lao động chịu tác động nặng nề, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 60 – 70%.

Novaland vay thêm 2.900 tỷ đồng trái phiếu, tài sản đảm bảo là cổ phần của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn / Covid-19: Thách thức và cơ hội khi tìm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản


Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng gần 1.900 người
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, mặc dù Covid-19 diễn biến phức tạp ngay từ những ngày đầu tháng, nhưng thị trường lao động Hà Nội vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan hơn, tình trạng thất nghiệp cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, các DN đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động vừa phòng, chống dịch vừa giữ vững sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, nhu cầu nhân lực trong tháng 5 tiếp tục theo hướng gia tăng lao động có trình độ, tay nghề tập trung ở các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp và ngân hàng.
Ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các DN vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TBTCO)
"Trong tháng 5/2021, các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao ở các mảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, viễn thông. Riêng ngành ngân hàng tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở vị trí nhân viên và chuyên viên", đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin.
Theo số liệu thu thập thông tin người tìm việc trong tháng 5/2021, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm chủ yếu nằm trong nhóm tuổi từ 15 - 29, chiếm gần 45,3%; tiếp theo là nhóm từ 30 - 39 tuổi, chiếm 43,1%; từ 40 tuổi trở lên, chiếm hơn 10%.
Người lao động đa số có nhu cầu làm việc tại các DN ngoài Nhà nước, chiếm 83,78%; tiếp đó là DN FDI, chiếm gần 11,5%. Một số vị trí được các doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu là nhân viên văn phòng, chiếm 44,8%; thợ các loại và lao động giản đơn lần lượt chiếm 22,4% và 18,9%.
Trong khi đó, số người đến đăng ký hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong tháng 5/2021 tăng gần 1.900 người so với 1 tháng liền trước.
Ước tính 5 tháng đầu năm 2021, toàn TP Hà Nội giải quyết việc làm cho trên 78,6 nghìn lao động, đạt 49,1% kế hoạch giao trong năm, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền gần 1,2 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho hơn 26.200 lao động.
3 kịch bản của thị trường lao động
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diến biến phức tạp và khó lường, ông Vũ Quang Thành- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, Trung tâm đã đưa ra 3 kịch bản dự báo thị trường lao động trong thời gian tới.
Theo đó, ở kịch bản tốt, dịch bệnh được khống chế, kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát ca nhiễm mới trong cộng đồng. Một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch bệnh như vận tải, du lịch sẽ dần được phục hồi. Thị trường lao động cũng dần ấm lên, nhu cầu tuyển dụng lao động có những chuyển biến tích cực, đặc biệt ở ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hạn chế được tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc.
Ở kịch bản thường, nguy cơ rủi ro bùng phát dịch bệnh, xuất hiện các ca F0 mới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nhanh chóng khoanh vùng và cách ly kịp thời. Tốc độ phục hồi của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng và sẽ phục hồi chậm hơn so với kịch bản 1. Dự báo số lao động tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch là các lao động thuộc các ngành như công nghiệp chế biến - chế tạo, bán buôn - bán lẻ, vận tải, du lịch.
Còn với kịch bản xấu, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong những tháng tiếp theo của năm 2021 không kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc ngày càng tăng. Đặc biệt, xuất hiện các ca nhiễm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội bắt buộc phải thực hiện dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tạm dừng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế.
Điều này sẽ khiến các ngành kinh tế tiếp tục bị tác động mạnh, một số ngành tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn như: Thương mại – dịch vụ; bán lẻ; vận tải; nhà hàng – khách sạn; dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Dự báo thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhóm lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế, dễ bị tổn thương như: lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức…
Cùng với đó, thất nghiệp sẽ gia tăng, số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ tăng cao, dự kiến khoảng 10 – 12 nghìn người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 60 – 70%.
Với dự báo trên, ông Vũ Quang Thành kiến nghị, cần chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp, phương tiện, thiết bị, nhân sự để ứng phó với các tình huống dịch bệnh diễn ra. Tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp, xây dựng phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng BHTN, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp sẵn sàng đáp ứng trong mọi tình huống của dịch.
Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường rà soát thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt biến động lao động, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu trên địa bàn.
Bên cạnh đó, ông Vũ Quang Thành cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động, dự báo kịp thời về tình hình lao động việc làm trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp...
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm