Hàng giả, nhái thương hiệu: Vì sao khó quản, khó xử lý?
Liên tục phát hiện hàng hóa giả mạo nhãn hiệu
Thời gian qua, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, “sao chép” hình thức, kiểu dáng, mẫu mã…của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu gia tăng và phổ biến trên thị trường. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương cho biết,cácđơn vị QLTT địa phương đã mở nhiều chiến dịch truy quét, kiểm tra, kiểm soát những cửa hàng kinh doanh sản phẩm có dấu hiệu giả mạo thương hiệu uy tín, qua đó đã phát hiện rất nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn.
Chỉ trong vòng một tuần vừa qua, lực lượng chức năng Lạng Sơn đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc vi phạm. Cụ thể, ngày 21/10, Đội QLTT số 9 (Cục QLTT Lạng Sơn) đã phát hiện nhiều hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam, với tổng trị giá gần 140 triệu đồngđangđược vận chuyểntừ khu vực biên giới cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn phát hiện 8 loại hàng hóa gồm: 335 ví cầm tay nhãn hiệu Louis Vuitton, Hermes; 118 túi xách nữ nhãn hiệu Louis Vuitton, Chanel, Gucci... do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Cũng trong ngày 21/10, qua kiểm tra Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Lạng Sơn)đã phát hiện 12loại hàng hóa bao gồm quần áo, túi xách nữ, ví nam… do Trung Quốc sản xuất, trị giá trên 120 triệu đồng. Số hàng hóa này đều chưa rõ về nguồn gốc xuất xứ và cũng có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.
Mới đây nhất, ngày 22/10, Đội QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra một cửa hàng kinh doanh tại Phú Xuyên và thu giữ trên 1.200 chiếc túi “mượn” các thương hiệu lớn như Gucci, Louis Vuiton, Moschino, Dior, Charles & Keith, YSL, Chanel… Đáng chú ý, những chiếc túi này được đổ buôn chỉ với giá từ 30 - 40.000 đồng/chiếc và xuất hàng trăm sản phẩm mỗi ngày cho các tiểu thương ở khắp địa phương cả nước.
Theo ông Linh, các đối tượng không chỉ làm giả hàng hóa thương hiệu nước ngoài mà còn làm giả rất nhiều nhãn hàng “made in Viet Nam” của các doanh nghiệp trong nước có uy tín với quy mô ngày càng lớn và phổ biến. “Tình trạng gian lận nhãn mác, giả mạo thương hiệu mặc dù được kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều hình thức nhưng vẫn gia tăng. Thậm chí, một biện pháp thiết thực đã và đang được thực hiện là dán tem kiểm soát, tem chống giả, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ…cũng lại bị làm giả” -ông Linh nhấn mạnh.
Còn nhiều khó khăn và rào cản
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, trên thực tế, công tác chống vi phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ rất gian nan do các hành vi ngày càng tinh vi và biến hóa “muôn hình vạn trạng”, cơ quan chức năng vừa khó quản lý, vừa khó xử lý vì nhiều rào cản, bất cập.
Qua quá trình thực thi trên thực tế, lực lượng QLTT đã ghi nhận một số trường hợp rất “khó xử” như nhiều loại hàng hóa tiêu dùng chỉ cần nhìn mắt thường là biết hàng giả nhưng thiếu tài liệu, chứng cứ chứng minh về hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mặt khác, để kết luận là hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ bắt buộc phải qua quá trình giám định và đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài thì chỉ giám định được khi đã được đăng ký chất lượng tại Việt Nam.
Đơn cử như trong vụ việc Hà Nội thu giữ trên 1.200 chiếc túi giả mạo các thương hiệu lớn vừa qua, ông Dương Ngọc Viện -Đội trưởng QLTT số 14 (Cục QLTT Hà Nội) chia sẻ một ví dụ, sản phẩm túi xách mang tên “Charles Kelth” không nằm trong diện tịch thu do người sản xuất đã cố tình lái chữ “i” thành chữ “l” trong từ “Keith” để không vi phạm bản quyền thương hiệu túi xách Charles & Keith.
Ngoài ra còncó trường hợp hàng hóa về hình thức, mẫu mã tuy có giống với các thương hiệu nổi tiếng nhưng lại không gắn nhãn mác. Các chủ cửa hàng cố tình không gắn tem, mác chờ khi có đơn hàng, theo yêu cầu của khách mới gắn mác các thương hiệu.
“Đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu cao cấp, các đối tượng vi phạm sử dụng chiêu trò là đặt hàng và nhãn mác riêng lẻ rồi chuyển đến các kho chứa tại các địa điểm hẻo lánh, ít người chú ý, sau đó thuê nhân công gắn nhãn mác khi có đơn hàng. Đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trong nước, các đối tượng mở xưởng sản xuất sản phẩm có bao bì, nhãn mác gần giống, chữ viết và hình ảnh na ná với thương hiệu khiến người tiêu dùng khó phân biệt” -ông Linh phân tích.
Bên cạnh đó, ông Linh chia sẻ thêm, có rất nhiều doanh nghiệp biết sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, giả mạo nhãn mác nhưng không lên tiếng. Thậm chí khi lực lượng chức năng phát hiện ra các vụ việc vi phạm cần sự hợp tác để xử lý, doanh nghiệp cũng không nhiệt tình, mặn mà. Đây là một rào cản rất lớn trong hoạt động quản lý, kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng.
Tổng cục trưởng QLTT nhận định, từnay đến cuối năm, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ gia tăng mạnh mẽ. Do đó, kế hoạch trọng tâm của lực lượng QLTT cả nước sẽ nhằm vào việc trấn áp hàng hóa giả mạo thông qua các chiến dịch càn quét tại các trung tâm thương mại, các chợ, cửa hàng và khu sản xuất.
“Tuy nhiên, để kiểm soát hiệu quả thị trường hàng hóa, trấn áp được các hàng hóa vi phạm thì bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chuyên trách còn cần sự chợp tác chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan như công an, hải quan, thanh tra chuyên ngành và các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Thêm vào đó, nước ta cần nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục về công tác giám định, công tác điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng chồng chéo và kéo dài việc xử lý các vụ việc vi phạm" -ông Linh nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo