Hoàn thiện nền kinh tế thị trường: Cần có sự kiểm soát độc quyền
DNVN - Đánh giá về mối quan hệ giữa Nhà nước – thị trường và xã hội tại Hội thảo tham vấn nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam” sáng 29/12, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Cần có sự kiểm soát độc quyền, chuyển độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.
Đề nghị sớm công nhận VN có nền kinh tế thị trường / “Không kinh tế thị trường, không giải quyết được gì”
Hình thành và phát triển các thị trường nền tảng
Sáng 29/12, trong khuôn khổ Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ qua tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam”. Hội thảo tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công rất đáng ghi nhận.
Đó là sự đổi mới nền tảng tư duy, nhận thức; sự mở rộng quy mô và tăng trưởng kinh tế cũng như những chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
TS. Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo tham vấn nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam”.
Bộ máy quản lý Nhà nước được tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường hơn. Công cụ can thiệp đổi mới, tạo điều kiện cho nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Phân công, phân cấp trong thực hiện các quyền giữa các cơ quan nhà nước được xác định rõ ràng hơn.
Đặc biệt, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã hình thành và phát triển các thị trường nền tảng. Cụ thể, thị trường tài chính đã hình thành và có bước tiến dài trong phát triển, đặc biệt thị trường vốn. Thị trường lao động hình thành và có bước phát triển đáng kể. Thị trường đất đai- quyền sử dụng đất bước đầu được hình thành. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển khởi sắc. Thị trường hàng hóa và dịch vụ phát triển mạnh.
Hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng đạt được nhiều thành tựu. Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và nền kinh tế thế giới, gia nhập các tổ chức kinh tế, ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Tạo môi trường vận động của cơ chế thị trường
Tuy nhiên, đánh giá về quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng sự can thiệp, tham gia trực tiếp của Nhà nước vào thị trường còn khá lớn khi giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước – thị trường và xã hội. Nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò tạo môi trường pháp luật cho sự vận động của cơ chế thị trường.
Nghiên cứu cũng nhận định các chủ thể thị trường còn nhiều hạn chế. Nền kinh tế còn nhiều phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Các vấn đề liên quan đến thị trường đất đai, tài chính, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân… còn nhiều khó khăn, bất cập.
Trong đó, cải cách doanh nghiệp Nhà nước ngày càng khó khăn. Khu vực kinh tế tư nhân còn thiếu niềm tin ở năng lực của bản thân, ở môi trường kinh doanh và bảo vệ của pháp luật. Cơ cấu khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa hợp lý.
Về vấn đề quản lý tài sản, sự liên thông giữa các hệ thống đăng ký tài sản, giao dịch. Sự liên thông giữa các hệ thống đăng ký tài sản, giao dịch với hệ thống bổ trợ tư pháp chưa được coi trọng.
Còn thiếu cơ chế pháp lý thống nhất về trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký tài sản, giao dịch với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác. Thiếu cơ chế cung cấp thông tin hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được với chi phí thấp và kịp thời đối với tài sản, giao dịch được đăng ký.
Quyền tài sản đối với tài sản công, nhất là các tài sản công có quy mô lớn còn chưa xác lập theo nguyên tắc thị trường. Tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến. Thứ hạng đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản giảm. Xếp hạng quyền tài sản và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại vẫn khá thấp.
Thị trường tài chính còn thiếu cân đối, thiếu định chế tài chính vi mô, chưa huy động được nguồn lực trong dân cư. Hoạt động quản lý thị trường chưa thực sự hiệu quả. Cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử thiếu đồng bộ, thiếu tính kết nối, thiếu dịch vụ hỗ trợ…
Tiếp tục cải cách kinh tế Nhà nước
Đề xuất nội dung trọng tâm cải cách, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cần xác định mô hình nền kinh tế thị trường Việt Nam trên cơ sở điều chỉnh vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, quy mô, phạm vi, công cụ Nhà nước can thiệp vào thị trường, mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Tiếp tục cải cách kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và áp dụng cơ chế thị trường đối với doanh nghiệp Nhà nước. Tạo điều kiện cho sự tự do kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân. Tăng hiệu quả của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, phát triển các thị trường nền tảng, phát triển cân đối hơn thị trường tài chính và tăng quy mô vốn hóa và chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
Hệ thống quyền sử dụng đất và tài sản cần gắn liền với đất được tích hợp và chính thức hóa. Cần phân định rõ hơn và tập trung hơn về vai trò của Nhà nước, của Chính phủ với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với tài nguyên quan trọng.
Hội thảo tham vấn nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam”.
Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cần công khai, minh bạch và bảo đảm tính ổn định của quy hoạch đất đai cũng như cơ sở dữ liệu đất đai.
Thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu lao động, tăng cường an ninh – linh hoạt của thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn cung và hoàn thiện quan hệ lao động. Kiện toàn mô hình tổ chức cơ quan quản lý cạnh tranh và tạo thể chế bảo đảm cạnh tranh công bằng và có trật tự.
“Cần có sự kiểm soát độc quyền, chuyển độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Có chế tài đủ mạnh và áp dụng nguyên tắc cạnh tranh với mọi chủ thể thị trường. Giá tất cả hàng hóa và các yếu tố sản xuất cần được quyết định dựa trên khan hiếm nguồn lực, cạnh tranh, quan hệ cung – cầu. Bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường. Phát triển xã hội dựa trên nền tảng công nghệ mới và tiến bộ”, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo