Hỗ trợ doanh nghiệp

Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV: Động lực mới của nền kinh tế thị trường

(DNVN) - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam cho rằng, việc Quốc hội thông qua dự án Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ là một bước cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường.

Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Trước đó, Dự án Luật đã được các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 và được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 6 và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào ngày 5/4 vừa qua.

Trả lời báo chí về vai trò của dự án Luật này đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, việc Quốc hội ban hành Luật trong kỳ họp này sẽ là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

"Dự Luật này đưa ra những quy định, nội dung cụ thể để góp phần tạo ra sự phát triển bình đẳng cho công đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam", đồng chí Tô Hoài Nam nói.

Cũng theo đồng chí Tô Hoài Nam, hiện nay, hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm hơn 97% số doanh nghiệp Việt Nam. Đây là con số nói lên rất nhiều điều, khẳng định tầm quan trọng của hệ thống doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng các doanh nghiệp này chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, năng lực cạnh tranh còn yếu.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam.

Là một trong những thành viên nằm trong ban soạn thảo dự án Luật, đồng chí Tô Hoài Nam cho biết, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng đến việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy nguồn lực đầu tư tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển có chiều sâu. Dự thảo Luật chọn 3 nhóm doanh nghiệp và các doanh nghiệp tiềm năng để hỗ trợ một cách trọng tâm, trọng điểm, gồm hộ kinh doanh đi lên doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp có khả năng tạo thành chuỗi liên ngành, chuỗi giá trị. Tinh thần của dự án Luật là chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí.

Nói về những kỳ vọng từ cộng đồng doanh nghiệp về dự án Luật này, đồng chí Tô Hoài Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn đầu tiên là có sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực. “Thực lòng mà nói, khu vực tư nhân chưa được tiếp xúc bình đẳng, trừ một số đại gia đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn đều khó khăn hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Chính vì thế, chúng tôi đề nghị những chính sách để cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các nguồn lực đất đai, tín dụng,… phải hết sức cụ thể, hướng đến doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các doanh nghiệp vừa”, đồng chí Tô Hoài Nam chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, muốn kinh tế tư nhân làm động lực, phải bảo vệ được quyền sở hữu để doanh nghiệp cảm thấy an toàn, mới dám đầu tư. Nhiều quyền hiện nay đối với thế giới là quyền sở hữu nhưng trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa chắc là quyền sở hữu, người chủ tài sản rất khó chuyển nhượng tài sản. Trong điều kiện luật pháp nước ta, phải cải thiện thủ tục hành chính nhanh nhất, gọn nhất, bớt chi phí để doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu một cách nhanh chóng.

Một điều quan trọng nữa được lãnh đạo VINASME đưa ra đó là, không được cản trở sự sáng tạo của doanh nghiêp nhỏ, khích lệ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế. Đồng thời, phải tránh chi phí không chính thức.

“Hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi và đã được báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua, công đồng doanh nghiệp đang gánh rất nhiều chi phí cả chi phí chính thức và không chính thức. Đặc biệt là chi phí ngầm hình thái rất mờ ảo, muôn hình vạn trạng, làm cho doanh nghiệp rất mệt mỏi, không biết đường nào để đi, đường nào để thoát ra, làm cho doanh nghiệp nản chí kinh doanh, không còn năng lượng, hứng khởi tập trung kinh doanh”, đồng chí Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo