Tin tức - Sự kiện

Hôm nay (10/1), Quốc hội thảo luận về "1 luật sửa 8 luật", dự án cao tốc Bắc - Nam

Bước sang tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp bất thường, Quốc hội thảo luận trực tuyến về “1 luật sửa 8 luật” và Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

“Gói phục hồi kinh tế cần vững chắc, tránh thành tích” / Hướng dẫn cách ly y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh

Ngày 10/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Các thành viên Chính phủ có liên quan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Ban hành "1 luật sửa 8 luật" để gỡ nút thắt

Trước đó, ngày 6/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại 72 Tổ (trong đó có 10 Tổ tại Nhà Quốc hội và 62 Tổ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) về "1 luật sửa 8 luật".

Đa số ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tập trung về: sự cần thiết, quan điểm xây dựng dự án Luật; phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; hồ sơ dự án Luật; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam; các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể của 8 Luật; về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của Luật...

Hôm nay (10/1), Quốc hội thảo luận về 1 luật sửa 8 luật, dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 3 ngày 6/1

Tại phiên thảo luận Tổ, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời các đại biểu cho rằng, đây là dự án Luật lớn, tổng hợp nhiều chính sách quan trọng thuộc các lĩnh vực khác nhau; việc xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ và sự chủ động, năng động của Quốc hội đảm bảo tính kịp thời, tinh thần đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, vì lợi ích của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Việc Quốc hội thông qua 1 luật sửa đổi 8 luật tại kỳ họp lần này, nhất là trên lĩnh vực đầu tư được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt, đẩy nhanh quá trình triển khai các nguồn vốn đầu tư.

Cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên một số đại biểu nhấn mạnh tính cần thiết của việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các địa phương đối với dự án ODA khi đây là lĩnh vực còn nhiều vướng mắc.

Về luật điện lực, một số đại biểu băn khoăn về quyền đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia và khả năng tham gia vào lĩnh vực này của doanh nghiệp tư nhân. Tại phiên thảo luận, có đại biểu đề nghị cân nhắc đưa nội dung sửa đổi luật thuế tiêu thụ đặc biệt vào lần sửa đổi này.

Cần tính toán kỹ nguồn lực cho dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam

Chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng là nội dung dành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi tuyến đường này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hôm nay (10/1), Quốc hội thảo luận về 1 luật sửa 8 luật, dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 2.

Thi công cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: sự đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, sự cần thiết của Dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô mặt cắt ngang; phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; hình thức đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành; cơ chế, chính sách triển khai đầu tư Dự án…

Một số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 toàn bộ bằng vốn đầu tư công và Bộ Giao thông Vận tải sẽ quản lý, đầu tư, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần.

Các đại biểu đề nghị cần tính toán kỹ nguồn lực và khả năng huy động vốn thực hiện, bởi theo tính toán, dự án có 12 dự án thành phần với quy mô lên tới 147.000 tỷ đồng. Nhu cầu giải ngân đến 2025 là gần 120.000 tỷ đồng, trong đó có 72.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Để đảm bảo tiến độ, một số đại biểu đề xuất phải có cơ chế đặc thù trong thực hiện các thủ tục đầu tư dự án; đồng thời sớm có phương án phù hợp để thu hồi vốn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm