Hơn 130 tỷ đồng “nằm phơi” trên mặt sông
Chủ tịch Hà Nội tiếp tục đề nghị trả lại tên “Bưu điện Hà Nội” / Tiếp viên hàng không lại bị đánh trên chuyến bay VietJet
Dự án xây dựng cầu bê tông cốt thép đi xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2010. Dự án do Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng miền Bắc.
Mục tiêu đầu tư dự án là tạo điều kiện thuận lợi cho xã Cẩm Lương nói riêng và huyện Cẩm Thủy nói chung phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng, lợi thế hiện có của vùng để thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời, đảm bảo cho việc giao lưu, đi lại và phát triển sản xuất của nhân dân xã Cẩm Lương cũng như các xã lân cận, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực.
Dự án cầu nêu trên bắc qua sông Mã, thuộc địa phận xã Cẩm Thạch, xã Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy). Theo thiết kế, cầu có chiều dài gần 350 m, bắc qua sông Mã với 11 nhịp, kết cấu nhịp giản đơn bê tông cốt thép dự ứng lực, tiết diện chữ I.
Đây là công trình giao thông cấp III với tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 130 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa thì thời gian thực hiện dự án không quá 5 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau 8 năm thi công, công trình vẫn dở dang.
Đến năm 2017, chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị bố trí vốn và gia hạn thời gian thi công công trình nêu trên.
Trước đề nghị của chủ đầu tư, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc không xem xét bố trí kế hoạch vốn.
Ông Tuấn giao chủ đầu tư nghiên cứu ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tại Công văn số 6035/SKHĐT-CNDV ngày 12/12/2017; tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng công trình cầu bê tông cốt thép đi xã Cẩm Lương, huyện cẩm Thủy theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng tiến độ.
Về việc gia hạn thời gian thi công, ông Lê Anh Tuấn yêu cầu chủ đầu tư chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Qua quan sát của phóng viên, sau nhiều tháng dừng thi công dự án, một số phương tiện cơ giới của nhà thầu bỏ không đã bị gỉ sét, hư hỏng nặng. Nhiều phương tiện như xe tải, máy xúc... phục vụ thi công dự án đang nằm phơi mưa, phơi nắng tại công trường.
Tại nhịp cầu số 11 (phía gần khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương) còn dở dang. Một số vật liệu phục vụ công trình đã bị hoen gỉ do không được che chắn, bảo quản cẩn thận.
Đại diện nhà thầu cho biết, nguyên nhân công trình chậm tiến độ chủ yếu là do thiếu vốn. Đến tháng 11/2018, dự án mới được giải ngân 87 tỷ đồng, trong đó phần thiếu vốn xây dựng của nhà thầu khoảng hơn 27 tỷ đồng.
Theo bà Bùi Thị Sáng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương cho biết: Dự án chậm tiến độ đã gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do cây cầu này bắc ngang tuyến đường dẫn vào khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương - nơi thường xuyên có phương tiện giao thông qua lại.
Với nguồn vốn đã được giải ngân hàng chục tỷ đồng, nhưng trên thực tế, dự án đang dở dang, chậm tiến độ suốt nhiều năm qua, đã gây lãng phí vốn đầu tư công...
End of content
Không có tin nào tiếp theo