Tin tức - Sự kiện

Khánh Hoà: Sẽ xuất khẩu cá “giết người”

(DNVN) - UBND tỉnh Khánh Hoà vừa phê duyệt Đề án khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là loài cá được mệnh danh là cực độc, nhưng lại cực ngon và cực đắt.

Khánh Hoà: Các khu công nghiệp "khát" lao động / Petrolimex làm việc với Khánh Hoà về dự án Trung tâm điện lực khí

Theo đó, đơn vị đăng ký thực hiện đề án là Doanh nghiệp tư nhân Phước Thọ. Hàng năm, doanh nghiệp này sẽ thu mua 500-600 tấn cá nóc tươi để chế biến thành phẩm xuất khẩu từ 200-240 tấn/năm, giá trị xuất khẩu thành phẩm cá nóc ước đạt 6 tỷ đồng/năm.

Cá nóc cực độc nhưng cực ngon

Cá nóc cực độc nhưng cực ngon nếu biết cách chế biến (ảnh TL)

Mục tiêu đề án đặt ra là tổ chức quản lý hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc từng bước đi vào khuôn khổ, chuẩn hoá về tính pháp lý, tính khoa học và an toàn cho người dân, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lợi cá nóc.

Qua đó nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về độc tố, giảm thiểu các trường hợp ngộ độc do độc tố cá nóc; tận thu được nguồn cá nóc khai thác không chủ đích, tăng thêm thu nhập cho ngư dân; sử dụng nội tạng cá nóc để nghiên cứu chiết xuất, sản xuất dược phẩm ứng dụng trong y học.

Tuy nhiên, tất cả cá nóc được khai thác, thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến trong đề án chỉ phục vụ mục đích xuất khẩu ra nước ngoài, không được phép đưa ra tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Nội tạng của cá nóc là bộ phận chứa nhiều độc tố nhất

Nội tạng của cá nóc là bộ phận chứa nhiều độc tố nhất và hiện đang được ngành khoa học nghiên cứu, chiết xuất dược phẩm để sử dụng trong y học (ảnh TL)

 

Các tàu cá tham gia đề án phải được cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp mã số tham gia chuỗi cá nóc xuất khẩu. Chủ tàu và người lao động trên tàu cá phải là những đối tượng đã được cấp chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản cá nóc trên tàu.

Sản phẩm cá nóc đánh bắt được trên tàu không được làm thực phẩm cho thuyền viên đi trên tàu; chỉ được bán cá nóc với kích cỡ, màu sắc, loài theo quy định đã được thỏa thuận trong hợp đồng với cơ sở thu mua cho tàu thu mua trên biển hoặc cơ sở thu mua được chọn tham gia thực hiện đề án.

Cá nóc (có nơi gọi là cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà, tên khoa học là Tetraodontiformaes), được mệnh danh là cá “giết người”, cá cực độc. Ở Việt Nam đã thống kê được hơn 60 loài cá nóc, trong đó có khoảng 30 loài là cá độc. Chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt mùa sinh sản, chất độc đó gọi là tetrodotoxin.

Tuy được mệnh danh là loài cá "giết người" nhưng thịt cá nóc lại là món thượng hạng ở Nhật Bản

Tuy được mệnh danh là loài cá "giết người" nhưng thịt cá nóc lại là món thượng hạng ở nhiều nước, trong đó có Nhật Bản (ảnh TL)

 

Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua, nhưng không bị phân hủy trong quá trình nấu chín. Một lượng rất nhỏ độc tố này đủ giết chết 30 người khoẻ mạnh, nhưng hiện nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc giải.

Nhưng ngặt nỗi, thịt cá nóc lại không độc và rất thơm ngon, nên ở nước ta, vẫn có rất nhiều người lén lút ăn thịt cá nóc và đã có rất nhiều vụ ngộ độc chết người đã xảy ra.

Ở Nhật Bản, sushi hay sashimi cá nóc là một trong những món ăn đắt đỏ nhất trên mỗi bàn tiệc. Không những phải đánh cược tính mạng của bản thân mỗi khi thưởng thức món ăn xa xỉ này, người dân xứ sở mặt trời mọc còn sẵn sàng bỏ ra một số tiền khá lớn để ăn chúng.

VIÊN HỮU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm