Kịch tính 3 giờ mở sọ cứu sống bệnh nhân xuất huyết não
(DNVN) - Ngày 3/10, Bệnh viện đa khoa Đức Giang ( Hà Nội) thông tin: Đã thực hiện ca cấp cứu kịch tính, với 3 giờ đồng hồ phẫu thuật căng thẳng, kịp thời cứu sống bệnh nhân nam Lê T.T nguy kịch do xuất huyết não.
Giật mình trước con số người mắc ung thư dạ dày mỗi năm ở Việt Nam / Có thể sàng lọc dị tật tim bẩm sinh ở tuổi thai 18 tuần
Hình ảnh chụp CT của bệnh nhân xuất huyết não được cứu sống. Ảnh: BVCC
Ngày 03/09, bệnh nhân nam Lê T.T (44 tuổi, Gia Lâm - Hà Nội), nhập viện trong tình trạng đau đầu. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Kết quả chụp CT cho thấy hình ảnh khối máu tụ trong não.
Ngay lập tức, bệnh nhân T được chỉ định nhập viện để điều trị và theo dõi. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó bệnh tình chuyển biến xấu đi, rơi vào trạng thái hôn mê kèm liệt ½ người trái. Các bác sĩ đã chỉ định chụp lại CT sọ não. Kết quả cho thấy khối máu tụ trong não đã lan rộng, kích thước to dần gấp 3 - 4 lần, gây chèn ép các tổ chức xung quanh.
Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn cấp bệnh viện giữa các khoa Hồi sức cấp cứu; Gây mê hồi sức và các bác sĩ chuyên khoa Ngoại về phẫu thuật Thần kinh. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu mở sọ gấp để giải phóng chèn ép cho não, lấy máu tụ và cầm máu.
Bệnh nhân đã được chuyển ngay lên phòng mổ, sau 3 giờ đồng hồ phẫu thuật căng thẳng ca mổ đã kết thúc tốt đẹp.
Bác sĩ Trần Minh Tân – người trực tiếp phẫu thuật cho biết: “Trường hợp bệnh nhân T khi phẫu thuật đã được mở 1 miếng xương rộng ở bán cầu não, tương ứng với bên chảy máu để não có thể giãn nở (chuyên môn gọi là giải phóng chèn ép cho não), đồng thời mở nhu mô não lấy ra được nhiều máu tụ và tìm được vị trí chảy máu để cầm máu. Mảnh xương cắt ra khỏi hộp sọ bệnh nhân sẽ được nuôi dưỡng ở trung tâm bảo quản mô, khi bệnh nhân hồi phục sẽ tiến hành mổ lần 2 để ghép lại sau”.
Bác sĩ Tân nhấn mạnh: “Đây là ca mổ có rất nhiều nguy cơ, nếu không kịp thời phẫu thuật mở sọ giải áp và lấy bỏ khối máu tụ thì khả năng ảnh hưởng tới tính mạng là rất lớn. Trường hợp bệnh nhân T có tiền sử nghiện rượu, gan đã có dấu hiệu bị xơ, xét nghiệm trước mổ tiểu cầu chỉ ở mức 80, trong khi ở người bình thường là từ 150 - 450 (tiểu cầu là thành phần rất quan trọng tham gia vào quá trình đông máu), với mức tiểu cầu thấp như vậy rất dễ xảy ra chảy máu không kiểm soát được trong và sau khi phẫu thuật”.
Nhờ sự phối hợp khẩn trương của các chuyên khoa, ca mổ đã diễn ra hết sức thuận lợi và thành công. Sau 1 tuần bệnh nhân đã có thể “cai” được máy thở, có thể nhận biết được người thân, 10 ngày sau mổ bệnh nhân đã có thể tự ăn.
Từ trường hợp này các bác sĩ đưa ra lời khuyên nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm các bệnh lý tiềm tàng, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý cần đến bệnh viện sớm để được thăm khám, theo dõi sát để có thể đưa ra hướng điều trị kịp thời. Nên từ bỏ các thói quen xấu như rượu bia vì rất có hại cho gan, có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan cũng như sẽ rất khó khăn cho bác sĩ nếu có bệnh lý ngoại khoa vì chức năng đông máu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.` |
Hoàng Ánh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo