Kinh tế 6 tháng: Tín dụng tăng tốc, tiếp sức cho phục hồi kinh tế
Chỉ định lãnh đạo ngành khoa học - công nghệ 6 tỉnh miền Tây / Gia Lai mới: Từ hợp nhất không gian đến hợp lực phát triển
Điểm đáng chú ý là tín dụng không còn “chờ” đến quý cuối cùng mới tăng tốc như thông lệ mà đã bứt phá ngay từ quý I nhờ sự kết hợp của mặt bằng lãi suất thấp, thanh khoản dồi dào và các chính sách tín dụng linh hoạt từ Ngân hàng Nhà nước.

Song, đằng sau con số tăng trưởng tích cực là những thách thức về chất lượng tín dụng và rủi ro nợ xấu tiềm ẩn. Do đó, điều hành tín dụng linh hoạt, kiểm soát rủi ro và đảm bảo cân đối vĩ mô tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối năm.
Tín dụng tăng tốc
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 18/6, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024. Mức tăng này gần gấp đôi tốc độ ghi nhận cùng kỳ năm trước, phản ánh nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp và người dân đang hồi phục rõ nét.
Khác với xu hướng thường thấy trong những năm trước, tín dụng đã bứt phá ngay từ những tháng đầu năm. Theo phân tích của chuyên gia tại Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), dòng vốn tín dụng đã tăng mạnh từ tháng 3 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong quý II. Hơn 1 triệu tỷ đồng tín dụng được bơm vào nền kinh tế trong nửa đầu năm – mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Đà tăng trưởng tín dụng này có được là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố thuận lợi. Trước hết là môi trường lãi suất thấp, với lãi suất cho vay mới bình quân khoảng 6,34%/năm, giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng duy trì trạng thái thanh khoản tốt, trong khi nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần phục hồi.
Cùng với đó, các chương trình cho vay ưu đãi được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là gói tín dụng dành cho nhà ở xã hội và các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh, công nghiệp chế biến, chế tạo… Chính sách ưu đãi tín dụng được thực hiện có chọn lọc, ưu tiên các doanh nghiệp có dòng tiền tốt, giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn trong toàn hệ thống.
Đơn cử như tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) – một trong những ngân hàng có dư nợ lớn nhất hệ thống, dư nợ tín dụng tính đến đầu tháng 6/2025 đã vượt mốc 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình cho biết dòng vốn chủ yếu tập trung vào các dự án kinh tế trọng điểm, nhiều dự án liên quan đến hạ tầng, mang tính kết nối giữa các quốc gia.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng và bền vững. Bên cạnh việc tài trợ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, Vietcombank cũng ưu tiên tài trợ vốn cho các ngành phát triển bền vững, các lĩnh vực ưu tiên. Đến cuối tháng 6, tín dụng dành cho lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 33% tổng dư nợ ngân hàng. Tính chung, dư nợ cấp tín dụng của Vietcombank nửa đầu năm 2025 tăng hơn 5% so với cuối năm trước. Đáng chú ý, ngân hàng đã triển khai 22 chương trình giảm lãi suất trong nửa đầu năm, hỗ trợ gần 28.000 khách hàng với tổng dư nợ được hưởng ưu đãi đạt trên 715.000 tỷ đồng và số tiền miễn giảm lãi suất hơn 3.500 tỷ đồng.
Ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có tín hiệu tăng trưởng mạnh mẽ. Dự báo từ MBS cho thấy, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có thể ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% vào cuối quý II, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đạt khoảng 13%, trong khi Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) lần lượt ước đạt 7% và 6%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, các tổ chức tín dụng đang kỳ vọng cao vào sự gia tăng nhu cầu vay vốn trong thời gian tới. Trong quý II, nhu cầu tín dụng và sử dụng dịch vụ ngân hàng như thanh toán, thẻ đã cải thiện rõ rệt so với hoạt động gửi tiết kiệm. Có tới 62,6% đơn vị tham gia khảo sát tin rằng nhu cầu vay vốn sẽ tăng mạnh trong quý III, vượt xa các dịch vụ thanh toán và huy động.
Theo dự báo, tăng trưởng tín dụng quý III có thể đạt khoảng 4,7%, với tín dụng bằng tiền đồng và ngoại tệ tăng lần lượt 4,7% và 4,8%. Nhờ vậy, nhiều tổ chức kỳ vọng tín dụng năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng 16,8%, vượt tốc độ thực hiện của năm 2024.
Áp lực điều hành
Tín dụng đang đóng vai trò then chốt trong việc kích hoạt phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2025. Tuy nhiên, đằng sau tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ là những rủi ro cần được nhận diện và kiểm soát kịp thời, đặc biệt liên quan đến chất lượng tín dụng và rủi ro gia tăng nợ xấu.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tỷ lệ tín dụng so với GDP đã chạm ngưỡng 134% vào cuối năm 2024. Đây là mức rất cao, phản ánh sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào nguồn vốn ngân hàng, nhất là vốn trung và dài hạn. Điều này nếu tiếp diễn có thể dẫn tới rủi ro mất cân đối vĩ mô, ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tài chính.
Một mối lo khác là việc dòng vốn ngân hàng có nguy cơ đổ vào những lĩnh vực dễ định giá tài sản như bất động sản, trong khi nhóm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo – vốn có thể tạo ra đột phá về năng suất – lại gặp khó trong tiếp cận vốn do thiếu tài sản đảm bảo truyền thống. Điều này khiến hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế chưa được tối ưu.
Trước bối cảnh này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát và điều chỉnh phụ hợp vào thực tế, chính sách tiền tệ cũng được điều hành linh hoạt, hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống. Đồng thời, Thống đốc đề xuất sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, trong việc hoạch định kế hoạch vốn cho các dự án lớn, cần phân kỳ đầu tư, dự phòng vốn hợp lý để tránh bị động, tạo áp lực thu xếp vốn.
Ngoài tín dụng, thị trường tài chính cũng đang chứng kiến nhiều biến động đáng chú ý. Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Đại học Kinh tế Quốc dân, kết quả đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ về thuế đối ứng mới đây có thể khiến thị trường tài chính sôi động trở lại, dòng đầu tư mạnh hơn, lượng USD đổ về sẽ nhiều hơn khiến cung - cầu ngoại hối trên thị trường biến động mạnh. Đồng USD sẽ có xu hướng là nhích nhẹ lên và trong điều kiện như vậy, Việt Nam cần có chiến lược ứng phó để duy trì tỷ giá ổn định.
Một diễn biến đáng chú ý nữa là sự tăng mạnh của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian gần đây. Lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng – vốn phản ánh nhu cầu thanh khoản trong hệ thống – đã tăng mạnh lên 6,45%/năm vào cuối tháng 6, cao gấp gần 4 lần so với mức 1,62% chỉ một tuần trước đó. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp về khả năng chi phí vốn sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định sự biến động mạnh của lãi suất liên ngân hàng sẽ tạo áp lực đẩy lãi suất cho vay trong nền kinh tế tăng theo. Trong bối cảnh này, ông cho rằng Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, hỗ trợ chi phí thuê đất… để duy trì sức chống chịu trong trường hợp lãi suất thị trường tăng trở lại. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tìm cách để tiết kiệm chi phí, cải thiện năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô nhằm giảm bớt rủi ro từ những biến động khó lường trên thị trường quốc tế.
Tổng thể, bức tranh ngân hàng nửa đầu năm 2025 cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa mở rộng tín dụng có kiểm soát và điều hành thị trường tiền tệ chủ động. Với nguồn lực sẵn có và nhu cầu vay vốn tiếp tục tăng, nhiều chuyên gia nhận định tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt 16–17% nếu kinh tế tiếp tục phục hồi ổn định và không xảy ra các cú sốc vĩ mô lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

Việt Nam - Brazil: Nhiều dư địa hợp tác kinh tế thương mại
Tiềm năng đón khách Nhật Bản của TP Đà Nẵng mới tăng cao
Sôi nổi cuộc thi 'Sinh viên nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2025' Đại học Đông Á
EVNCPC kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn bảo đảm an toàn sử dụng điện
Kinh tế 6 tháng: Tín dụng tăng tốc, tiếp sức cho phục hồi kinh tế

Sửa đổi một số quy định về phí và lệ phí