Kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ xem xét 5 vấn đề cấp bách, đột xuất
Thủ tướng dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc / Nhiều vướng mắc trong việc phát triển nhà ở cho công nhân
Chiều 22/11, tại Phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả Kỳ họp thứ 2 và việc chuẩn bị kỳ họp bất thường và kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Về kỳ họp bất thường (kỳ họp chuyên đề), Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 5 nội dung đã thống nhất, gồm:
- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật;
- Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025;
- Đề án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư;
- Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ;
- Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến cả kỳ. Dự kiến tổng thời gian kỳ họp khoảng 4,5 ngày. Trong đó, thời gian thảo luận 3,5 ngày, phiên trù bị, khai mạc, bế mạc, trình bày một số báo cáo và biểu quyết thông qua 1 ngày.
Kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến tổ chức vào tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại Phiên họp thứ 5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Về kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết dự kiến Quốc hội làm việc 18 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/5/2022 và bế mạc vào ngày 15/6/2022. Dự kiến sẽ không bố trí Quốc hội làm việc ngày Thứ bảy, Chủ nhật để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua.
Ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 8,25 ngày cho công tác lập pháp, xem xét, thông qua 5 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật; xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, trong đó vẫn dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn như thông lệ.
Về hình thức họp, Quốc hội dự kiến họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tuy nhiên, dự phòng phương án họp trực tuyến nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với kỳ họp bất thường, theo tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất, cố gắng nỗ lực tối đa, tuy nhiên việc tổ chức vẫn tùy thuộc vào công tác chuẩn bị. Đồng thời phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, có đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, ý kiến chuyên gia…
Nội dung cho ý kiến tại kỳ họp bất thường là những nội dung khó, phức tạp liên quan đến quốc kế dân sinh, đến tình hình tài chính, kinh tế vĩ mô, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan phải có quyết tâm chính trị rất lớn và nỗ lực cao với tinh thần vào cuộc tối đa, đảm bảo chất lượng kỳ họp.
Về chuẩn bị cho kỳ họp thường kỳ tháng 05/2022 (Kỳ họp thứ 3), Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phát huy tối đa những ưu điểm, kết quả đã đạt được trong các Kỳ họp trước để áp dụng triển khai; công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, theo tinh thần từ sớm từ xa…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý việc bố trí giữa thảo luận và biểu quyết thông qua cần sắp xếp cân đối thời gian, nội dung nào quan trọng cần phân bổ dành thời gian thích đáng. Đồng thời, trong công tác giám sát tối cao cần quan tâm đến nội dung giám sát liên quan đến quy hoạch; các đề án liên quan như đổi mới kỳ họp, đổi mới công tác giám sát… cần tích cực, chủ động triển khai kịp tiến độ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo