Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Không cho phép lặp lại những sai phạm trong quá khứ
Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 / Hà Nội: Dự kiến phương án tuyển sinh lớp 10, chính thức bỏ môn thi thứ 4
Kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông vừa lấy kết quả làm căn cứ tuyển sinh đại học đã được điều chỉnh mục tiêu thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Quyền tự chủ tuyển sinh được giao cho các trường Đại học. Quyết định được đưa ra khi kỳ thi chỉ còn 4 tháng nữa sẽ diễn ra khiến phụ huynh và các học sinh lớp 12 bàng hoàng sửng sốt. Không ít trường Đại học cũng lúng túng, bị động.
Tại sao lại điều chỉnh kỳ thi vào thời điểm này? Liệu có tái diễn tình cảnh thí sinh ùn ùn kéo về thành phố lớn thi đại học?... Đây cũng là những câu hỏi được trả lời trong chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này, với sự tham gia của ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Lê Trường Tùng - Chuyên gia giáo dục Đại học.
Chia sẻ trong chương trình, ông Mai Văn Trinh khẳng định việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Gia Lai.
"Từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực. Luật ghi rõ khi kết thúc lớp 12 bậc THPT, học sinh sẽ tham dự một kỳ thi. Nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp một bằng tốt nghiệp THPT. Cũng từ 1/7/2020, Luật giáo dục đại học cũng có hiệu lực, trong đó có quy định về tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, gồm cả tự chủ tuyển sinh. Thêm nữa, vào học kỳ 2 của năm học này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tổ chức dạy học có tác động rất lớn tới học sinh, trong đó có học sinh lớp 12. Nếu giữ nguyên kỳ thi như những năm qua, nó không phù hợp với hiệu lực của luật giáo dục mới và nặng nề với học sinh. Chính vì vậy, trên cơ sở kế thừa sự điều chỉnh dần dần của kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 -2019, đi đúng theo quy định của luật thì chúng ta tổ chức kỳ thi THPT để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông so với chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành", ông Mai Văn Trinh cho biết.
"Kỳ thi này được tổ chức một cách nghiêm túc, khách quan và kết quả có độ tin cậy để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT, đặc biệt nó là cơ sở để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Chúng ta lưu ý rằng kỳ thi này để đánh giá mức độ học vấn phổ thông nhưng vẫn bảo đảm mức độ phân hóa ở mức độ nhất định. Nếu đạt được điều đó và tổ chức kỳ thi một cách nghiêm túc thì dù các cơ sở giáo dục đại học tự chủ nhưng vẫn có thể lấy kết quả này để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ của họ.
Hiện nay, kết thúc bậc tiểu học, THCS đều không có kỳ thi tốt nghiệp này. Đối với bậc THPT, khi học hết lớp 12 thì kỳ thi tổng kết để đánh giá cả quá trình. Chính sự cần thiết như vậy nên Luật Giáo dục mới yêu cầu tổ chức kỳ thi để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, nếu không tổ chức kỳ thi thì động lực học tập của học sinh sẽ khác, thậm chí có số ít học sinh không thi là không học. Đó là thực tế nên việc tổ chức kỳ thi là cần thiết", ông Trinhcho hay.
Đối với sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Lê Trường Tùng cho rằng lộ trình giao tự chủ cho các trường Đại học về tuyển sinh đã được xúc tiến từ vài năm trước. Tuy nhiên, năm 2020 có một số đặc thù do ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh COVID-19.
"Phương án của Bộ đưa ra, một phần đó là giải pháp phù hợp để ứng phó dịch bệnh, không khuyến khích tập trung đông người đi lại", ông Lê Trường Tùng nói.
"Chất lượng tuyển sinh là khái niệm mang tính tương đối, không chỉ đơn thuần vì nó chỉ đóng góp một phần trong toàn bộ hệ thống chất lượng đào tạo của một trường đại học mà nó tương đối vì thực ra, cuộc thi không bao giờ đảm bảo chính xác tuyệt đối được. Vì thế, chất lượng là điều cần quan tâm nhưng tôi cho rằng điều chúng ta quan tâm là sự công bằng trong tuyển sinh, tức là làm thế nào dù với phương thức thi cử nào cũng phải đảm bảo sự công bằng. Em nào khá thì cơ hội vào trường đại học nào đó phải cao hơn những em có học lực thấp hơn. Đó là điều quan trọng. Bởi thực tế, đề thi dễ thì sẽ dễ với tất cả các em, khó thì chuyện công bằng quan trọng hơn", ông Lê Trường Tùng phân tích tiếp.
"Nếu giao toàn bộ chuyện thi cho địa phương mà không có sự tham gia của các đối tác khác như các trường đại học... thì dễ dẫn đến lợi ích địa phương, xảy ra tiêu cực không mong muốn như đã từng xảy ra".
Trước lo ngại của ông Lê Trường Tùng, ông Mai Văn Trinh khẳng định những sai phạm xảy ra trong quá khứ không cho phép lặp lại. Chính vì lẽ đó, trong kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những biện pháp tích cực để đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi.
"Chúng ta sẽ phải thực hiện đồng bộ một nhóm giải pháp" - ông Mai Văn Trinh nói - "Thứ nhất, về đề thi, chúng ta vẫn sử dụng dạng thức đề thi trắc nghiệm khách quan. Riêng với môn Ngữ văn sẽ thi hình thức tự luận. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng.
Về công tác coi thi, bên cạnh cán bộ coi thi trong mỗi phòng thi sẽ có thêm lực lượng giám sát ở bên ngoài phòng thi.
Về công tác chấm thi, thực hiện quy trình chấm chặt chẽ, nghiêm túc. Qua năm 2019, chúng ta thấy hiệu quả đã khẳng định được sự nghiêm túc của quy trình này. Chúng ta tiếp tục hoàn thiện và phát huy quy trình đó ở trong cả chấm tự luận và trắc nghiệm".
"Thêm nữa, với việc chấm trắc nghiệm, bên cạnh quy trình chấm chặt chẽ như năm 2019, chúng ta tiếp tục sử dụng thiết bị giám sát, giám sát con người và sử dụng phần mềm chấm thi với chức năng bảo mật cao để chấm điểm nghiêm túc. Dữ liệu chấm thi, kể cả dữ liệu gốc hay trung gian, đều được mã hóa và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ sẽ sử dụng để chấm xác suất hoặc đối sánh trong trường hợp cần thiết. Sử dụng biện pháp kỹ thuật, đặc biệt các thiết bị giám sát cho các khâu quan trọng như bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi.
Bên cạnh đó, giải pháp tổng thể là tăng cường công tác thanh tra. Bên cạnh thanh tra từ Bộ, Sở, sẽ có thành tra từ tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập để thành tra, giám sát tất cả các khâu. Giải pháp cuối cùng là kết quả thi của các tỉnh, thành phố sẽ được phân tích phổ điểm, yêu cầu địa phương cập nhật lên hệ thống quản lý thi các kết quả học tập trong học bạ".
End of content
Không có tin nào tiếp theo