Tin tức - Sự kiện

Kỳ vọng tăng trưởng khả quan dù sức ép giá cả tăng cao

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa thấy hồi kết, giá cả nhiều mặt hàng trong nền kinh tế khó hạ thấp, nhưng một số chuyên gia kinh tế vẫn kỳ vọng: Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm đóng cửa.

Nổ lớn tại nhà máy MIWON ở Phú Thọ khiến 5 người thương vong / Phó Thủ tướng: Chưa điều chỉnh tăng giá điện

Lo ngại giá cả xăng dầu "leo thang" và nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục ở mức cao, thúc đẩy lạm phát tăng lên.

Mới đây, Ngân hàng Standard Chartered tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 6,7% và năm 2023 ở mức 7%.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam - Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa, các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục phục hồi trong tháng 6/2022. Sự phục hồi có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau 2 năm đóng cửa. Tuy nhiên, giá dầu thế giới gia tăng cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế”.

Nhóm Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Trong kịch bản cơ bản, lạm phát bình quân vẫn ở mức mục tiêu là 4%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,8% và thặng dư thương mại là 1,2 tỷ USD. Với kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng năm 2022 được CIEM dự báo gần sát với mức 7% mà Chính phủ đang đặt ra cho kinh tế năm nay.

Đi cùng với các kịch bản tăng trưởng, các chuyên gia CIEM cũng nhắc đến những yếu tố tác động đến triển vọng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm. Đây cũng là các khuyến nghị chính sách để đảm bảo được tính khả thi của kịch bản cao. Đó là khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể COVID-19 và các dịch bệnh mới; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và neo kỳ vọng lạm phát.

Cùng với đó, khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và xử lý các rủi ro gắn với với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD... cũng là yếu tố quan trọng được các chuyên gia nghiên cứu lưu tâm.

 

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Dù còn nhiều rủi ro, bất định gia tăng nhưng với sự phục hồi tích cực nửa đầu năm, tăng trưởng GDP cả năm nay quanh mức 7% là khả thi. Các điểm tích cực của nền kinh tế có thể thấy từ cả cung và cầu.

“Về phía cung, khu vực nông nghiệp vẫn có nhịp tăng trưởng ở mức bình thường; công nghiệp tăng trưởng ở mức tốt và đặc biệt khu vực dịch vụ có sự phục hồi ấn tượng. Trong khi đó về phía cầu, các lĩnh vực như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều có tín hiệu tích cực”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Tuy nhiên theo TS Cấn Văn Lực, cùng với các rủi ro, bất định từ bên ngoài, thách thức trong nước cũng không ít: Hoạt động xuất khẩu có thể lâm vào khó khăn nếu đà phục hồi của kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại; áp lực nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ tăng lên (nhưng vẫn trong tầm kiểm soát); giải ngân đầu tư công chậm; doanh nghiệp, người lao động còn gặp nhiều khó khăn; nợ xấu tiềm ẩn tăng; dư địa tăng trưởng tín dụng từ giờ tới cuối năm eo hẹp hơn…

PGS TS Đinh Trọng Thịnh dự báo: Từ nay tới cuối năm, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao và các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng ở mức 7,0% - 7,5%. “Trường hợp giá dầu thô hạ xuống thấp hơn, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng… thì tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8 - 8,4%”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Để có thể giữ lạm phát ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Cần đẩy mạnh phòng ngừa biến chủng mới của dịch COVID-19. Đây là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng; đồng thời Chính phủ phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

 

“Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng lạm phát do tâm lý”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thời gian tới, Việt Nam cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm; cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả; đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.

“Kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm