Tin tức - Sự kiện

Lại họp đàm phán để chốt tăng lương tối thiểu vùng năm 2019

Tổng Liên đoàn vẫn giữ quan điểm của mình ở mức đề xuất tăng 8%. VCCI cũng đã đồng ý sẽ tăng lương tối thiểu vùng. Cuộc họp hôm nay giữa các bên là để đàm phán và chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Nữ sinh mồ côi cha lo không có tiền theo học đại học / Dễ dàng ngừa tránh "liệt tối thứ Bảy"!

Hôm nay 13/8, Hội đồng tiền lương quốc gia tiếp tục họp phiên thứ ba để đàm phán, thương lượng và chốt mức lương tối thiểu vùng năm 2019 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp – Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia.


Tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu.

Nếu như tại phiên đàm phán lần đầu tiên diễn ra hôm (9/7), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu 2019 là 8% và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất chưa nên tăng lương tối thiểu vùng 2019 thì tại phiên họp lần hai đã có chút thay đổi về quan điểm.

Theo đó, VCCI đã đồng ý sẽ tăng lương tối thiểu vùng dù chưa đưa phương án cụ thể tăng bao nhiêu; còn phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục về bàn bạc lại mức đề xuất tăng.

Tuy nhiên, trước phiên họp sáng nay, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Tổng Liên đoàn vẫn giữ quan điểm của mình ở mức đề xuất tăng 8%.

“Trong bối cảnh kinh tế phát triển, người lao động cần được hưởng lợi thành quả do mình làm ra. Khi mức lương các bên tiến gần lại với nhau, chắc chắn lương tối thiểu vùng sẽ ngã ngũ trong ngày hôm nay”, ông Thọ nói.

Trong khi đó, đại diện cho giới chủ sử dụng lao động VCCI vẫn chưa tiết lộ mức đề xuất tăng bao nhiêu dù khẳng định sẽ điều chỉnh tăng lên cho phù hợp để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn.

Trước đó, kết thúc phiên họp lần 2, trao đổi với báo chí, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục quan hệ Lao động và Tiền lương, Thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, Bộ Lao động Thương binh – Xã hội cho rằng, năm 2019 vẫn phải tăng lương tối thiểu vùng. Theo phân tích của Hội đồng tiền lương, 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh có khả quan nhưng CPI đã tiến gần sát đến mục tiêu 4% mà Quốc hội đưa ra.

Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực giữ mức CPI không tăng cao mới đảm bảo được tiền lương thực tế cho người lao động. Nếu tiền lương tăng được chút ít, trong khi giá cả hàng hóa cũng tăng thì việc tăng lương không còn ý nghĩa với người lao động. Hơn nữa, trong bối cảnh 6 tháng cuối năm, vấn đề thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, Mỹ với Triều Tiên và Hàn Quốc có tác động rất lớn đến tỷ giá ngoại tệ đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng lớn đến khả năng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, những tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo khiến nhiều người lao động mất việc làm. Vì thế tăng lương thế nào để có sự tác động đến doanh nghiệp, cải thiện đời sống của người lao động và bảo đảm việc làm là bài toán không dễ.

Trước đó, ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhấn mạnh, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, tinh thần cải cách tiền lương tiến tới Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Từ nay đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu.

Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm