Tin tức - Sự kiện

Lãi suất ngân hàng tiếp tục ghi nhận mức tăng mới

Chỉ trong 2 ngày qua, liên tiếp các thông tin về điều chỉnh lãi suất huy động được nhiều ngân hàng công bố ngay sau quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành của NHNN.

Ứng phó bão Noru, Đà Nẵng sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân / Không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tăng mạnh lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn. Khách hàng gửi tiền tại VPBank kỳ hạn từ 2 đến 5 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất kịch trần là 5%/năm với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, tăng đến 1%/năm so với trước đó. Còn với khoản tiền gửi từ 3 đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất là 4,9%/năm; gửi từ 300 triệu đến dưới 3 tỷ đồng, lãi suất 4,8%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại VPBank cũng tăng 0,5-0,6%/năm so với trước, dao động từ 6,4-7,2%/năm tùy theo giá trị khoản gửi.

Đáng chú ý, lãi suất cao nhất được VPBank niêm yết là 7,7%/năm dành cho khách hàng gửi từ 50 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 36 tháng. Mức lãi suất này đã tăng 0,7%/năm so với trước đó và trở thành mức lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống ngân hàng đối với các khoản tiền gửi dưới 100 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã có một thời gian dài niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên tới 7,55%/năm, dẫn đầu hệ thống. Trong lần điều chỉnh này, SCB vẫn giữ nguyên mức cao nhất là 7,55%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, gửi tiền trực tuyến và chỉ tăng lãi suất với các kỳ hạn ngắn.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng cũng được điều chỉnh tăng lên mức 5%/năm. Lãi suất cao nhất tại HDBank hiện là 7,65%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 13 tháng và gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.

 

Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lãi suất huy động vốn bằng VND các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng lên mức tối đa 0,5%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tuy không tăng kịch trần nhưng cũng thêm đến 0,8-0,9%/năm so với trước đó, lên dao động từ 4,38-4,9%/năm.

Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất tiền gửi tại SHB tăng thêm 0,4-0,5%/năm lên dao động từ 5,73-7,35%/năm. SHB đang niêm yết lãi suất cao nhất là 8,1%/năm cho chứng chỉ tiền gửi Phát lộc kỳ hạn 8 năm và 7,9%/năm cho sản phẩm này kỳ hạn 6 năm.

Trước đó, nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank)... cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn và đặc biệt tăng mạnh đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.

Trong khi đó, các ngân hàng thuộc nhóm Big 4, gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vẫn chưa có động thái mới. Hiện, mức lãi suất cao nhất được các ngân hàng này niêm yết từ 5,6-5,8%/năm với tiền gửi online và 5,6%/năm với tiền gửi tại quầy. Lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở mức 3,1-3,4%/năm.

Theo biểu lãi suất ngân hàng mới nhất, lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống đang là 8,8%/năm tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với khoản gửi kỳ hạn 13 tháng. Tiếp đó là 7,85%/năm tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm