Lâm Đồng: 4 Trưởng Ban quản lý rừng bị đình chỉ công tác đã thiếu trách nhiệm, để mất rừng như thế nào?
Lâm Đồng: Phạt Công ty Sunfeel Việt Nam 522 triệu đồng vì xả thải vượt quy chuẩn / Lâm Đồng: 2,2ha rừng thông vừa trồng đã bị nhổ sạch
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện Đam Rông, Lâm Hà và Lạc Dương, tạm đình chỉ công tác đối với 4 Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ, để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật.
4 Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ này gồm: Phi Liêng, Sêrêpốk (huyện Đam Rông), Lâm Hà (huyện Lâm Hà), đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương).
Ngành chức năng kiểm đếm thiệt hại một vụ phá rừng ở Lâm Đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 680 vụ vi phạm lâm luật (có 329 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm, chiếm 48%); diện tích thiệt hại do phá rừng 45,59 ha, lâm sản thiệt hại là 2.472,174 m3.
Trong năm 2020, có 47 vụ vi phạm nổi cộm, diện tích rừng thiệt hại 27,39ha, khối lượng gỗ thiệt hại 629,240m3. Trong đó, trên địa bàn huyện Đam Rông 16 vụ, Lạc Dương 7 vụ, Lâm Hà 3 vụ…
Trong Quý 1/2021, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 152 vụ vi phạm lâm luật (77 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm, chiếm 51%), diện tích thiệt hại do phá rừng 10,56ha, lâm sản thiệt hại là 1.008,127 m3. Trong đó có 9 vụ nổi cộm về vi phạm luật Lâm nghiệp, trên địa bàn huyện Đam Rông: 3 vụ, Lạc Dương: 1 vụ, Lâm Hà: 2 vụ.
So sánh với cùng kỳ năm 2020, số vụ vi phạm trong Quý I/2021 tăng 16 vụ (tương đương 12%); diện tích thiệt hại do phá rừng tăng 3,13ha (tương đương 42%), lâm sản thiệt hại tăng 552,943m3 (tương đương 121%).
Trên cơ sở phân tích, đánh giá về các tiêu chí: Số vụ vi phạm nổi cộm xảy ra; diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại lớn; số vụ không xác định được đối tượng vi phạm trên tổng số vụ vi phạm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng xác định, có 4 đơn vị chủ rừng để xảy ra nhiều vi phạm gây thiệt hại lớn đến diện tích và khối lượng cần xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu.
Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk (huyện Đam Rông), trong năm 2020, xảy ra 48 vụ vi phạm (41 vụ không xác định được đối tượng vi phạm), diện tích thiệt hại 14,516 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 436,298 m3.
Trong Quý I/2021, xảy ra 8 vụ vi phạm (6 vụ không xác định được đối tượng vi phạm), diện tích thiệt hại 2,511 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 94,240 m3.
Về số vụ vi phạm nổi cộm, trong năm 2020 và Quý I/2021 có 17 vụ, trong đó có 12 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm; diện tích thiệt hại 11,688 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 125,132 m3.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng (huyện Đam Rông), trong năm 2020, xảy ra 35 vụ vi phạm, trong đó có 31 vụ không xác định được đối tượng vi phạm, diện tích thiệt hại 2,935 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 245,921 m3.
Trong Quý I/2021, xảy ra 14 vụ vi phạm, hiện tất cả các vụ đều chưa xác định được đối tượng vi phạm; diện tích thiệt hại 1,047 ha; khối lượng lâm sản thiệt hại 141,603 m3.
Trong năm 2020 và Quý I/2021 đã xảy ra 2 vụ vi phạm nổi cộm về hành vi khai thác rừng trái pháp luật. Trong đó, 1 vụ năm 2020, có đối tượng vi phạm, khối lượng lâm sản thiệt hại 32,911m3; 1 vụ năm 2021, chưa xác định được đối tượng, khối lượng lâm sản thiệt hại 63,879 m3.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà (huyện Lâm Hà), trong năm 2020, xảy ra 40 vụ vi phạm, 19 vụ không xác định được đối tượng vi phạm, diện tích thiệt hại 4,579 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 167,918 m3.
Trong Quý I/2021, xảy ra 11 vụ vi phạm, 7 vụ không xác định được đối tượng vi phạm, diện tích thiệt hại 0,737 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 46,407 m3.
Trong năm 2020 và Quý I/2021 đã xảy ra 5 vụ vi phạm nổi cộm về hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Trong đó có 2 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương), trong năm 2020, xảy ra 41 vụ vi phạm (3 vụ không xác định được đối tượng vi phạm), diện tích thiệt hại 5,214 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại 393,961 m3.
Trong Quý I/2021 có 8 vụ vi phạm (2 vụ chưa xác định được đối tượng), diện tích bị tác động 1,628 ha, khối lượng lâm sản bị tác động 415,463 m3.
Trong năm 2020 và Quý I/2021 xảy ra 5 vụ vi phạm nổi cộm (3 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm), diện tích thiệt hại 5,548 ha, khối lượng lâm sản bị tác động 643,656 m3.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá về các tiêu chí: Số vụ vi phạm nổi cộm xảy ra; diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại lớn; số vụ không xác định được đối tượng vi phạm trên tổng số vụ vi phạm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng và đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu của chủ rừng, tức 4 Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ nói trên.
Văn bản chỉ đạo xử lý kỷ luật của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi xem xét báo cáo của Sở NN&PTNT và Sở Nội vụ về tình hình vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng năm 2020 và Quý I/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương tạm đình chỉ công tác, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức kỷ luật đối với Trưởng ban các Ban quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, Sêrêpốk, Lâm Hà, đầu nguồn Đa Nhim, do thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng phức tạp trên lâm phần được giao quản lý.
Đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với Hạt trưởng các Hạt Kiểm lâm và các cá nhận có liên quan do thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng phức tạp, nổi cộm trên địa bàn quản lý trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021.
End of content
Không có tin nào tiếp theo