Lâm Đồng: Bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh loay hoay mua ngoài
Thêm sự lựa chọn tốt cho người dân Lâm Đồng khi khám chữa bệnh / Lâm Đồng: Phạt nhiều cơ sở y, dược tư nhân vi phạm quy định hành nghề
Thiếu đủ thứ
Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng vừa tiếp tục có văn bản báo cáo Bộ Y tế (Vụ Bảo hiểm y tế) về tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế và thực trạng người bệnh phải tự mua bên ngoài, trên địa bàn tỉnh.
Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế, người bệnh phải tự mua bên ngoài. Ảnh minh hoạ.
Theo đó, một số gói thầu cung ứng thuốc của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã hết hiệu lực hoặc gần hết hiệu lực, như: gói thầu cung ứng thuốc và dược liệu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022-2023 hết hạn hợp đồng tháng 12/2023.
Gói thầu cung ứng thuốc của Bệnh viện II Lâm Đồng (TP Bảo Lộc) hết hạn hợp đồng tháng 5/2024. Gói thầu cung ứng thuốc của Trung tâm Y tế huyện Di Linh hết hạn hợp đồng tháng 6/2024 và nhiều gói thầu khác.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng thuốc không có nhà thầu tham dự sau nhiều lần tổ chức đấu thầu: Azithromycin (gói), Cefaclor (gói, viên), Insulin người trộn, hỗn hợp tỷ lệ 30/70 (bút tiêm), Fentanyl 0.1mg/2ml, Atropin (nhỏ mắt), Salbutamol (viên)… và nhiều thuốc khác.
Về vật tư y tế, hóa chất, các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định 24/NĐ-CP ngày 27/2/2024. Việc đấu thầu vật tư y tế không có phân nhóm kỹ thuật dẫn đến một số trang thiết bị, vật tư y tế trúng thầu. Đặc biệt là các mặt hàng kỹ thuật cao chưa đáp ứng được nhu cầu về chuyên môn để bảo đảm đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Người bệnh loay hoay tự mua bên ngoài
Cũng theo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, tại một số thời điểm, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh không có sẵn thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh, do đó phải chuyển sang sử dụng các loại thuốc, vật tư y tế khác sẵn có tại đơn vị.
Tuy nhiên, có một số trường hợp, đơn vị không có thuốc, vật tư khác thay thế và không thể chuyển bệnh nhân đến cơ sở khám bệnh khác nên có tình trạng bệnh nhân phải tự mua ngoài bệnh viện.
Anh T.M.T ở huyện Lạc Dương kể, mới đây tôi có đưa vợ vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng để điều trị gần 10 ngày. Khi xuất viện, bác sĩ cho toa thuốc để mua về nhà tiếp tục uống. Tuy nhiên, khi đến nhà thuốc của bệnh viện mua thì không có đủ các loại thuốc trong toa nên được hướng dẫn ra nhà thuốc bên ngoài tìm mua.
“Tôi phải mang toa thuốc của bác sĩ ra rất nhiều nhà thuốc lớn bên ngoài bệnh viện để mua, nhưng không có hoặc chỉ có loại thuốc tương tự. Loay hoay tìm kiếm cả tiếng đồng hồ không được, tôi quyết định nhờ người quen giúp đỡ cuối cùng mới có thể mua được đúng loại thuốc mà bác sĩ đã chỉ định”, anh T chia sẻ.
Cũng theo anh T, số tiền mua thuốc bên ngoài không phải là lớn, nhưng người nhà bệnh nhân phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền thuê xe ra ngoài tìm mua thuốc. Thậm chí nếu không kiên trì tìm hoặc không có người quen giúp đỡ thì không thể mua được đúng các loại thuốc như đã chỉ định.
Thiếu đến bao giờ?
Theo tìm hiểu của phóng viên, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong thời gian qua là do Luật Đấu thầu năm 2023 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/2/2024. Nhưng đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện việc lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc, chưa ban hành mẫu hồ sơ lựa chọn nhà thầu đối với thuốc, chưa ban hành hướng dẫn về phân nhóm thiết bị y tế về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng theo quy định tại khoản 2, Điều 135, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
Ngành y tế các địa phương và người dân còn chờ đến bao giờ mới hết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế? Ảnh minh hoạ.
Để “chữa cháy” tạm thời, các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng thuốc thuộc kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu đấu thầu tại đơn vị, gói thầu tập trung cấp địa phương lần 2 và lần 3, gói thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá còn hiệu lực để thay thế, sử dụng.
Đối với các mặt hàng thuốc phục vụ cho công tác cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đã hết số lượng trúng thầu và không có lựa chọn khác thay thế, các đơn vị đang thực hiện mua sắm theo quy định tại khoản 4, Điều 23, Luật Đấu thầu 2023.
Đối với các gói thầu vật tư y tế, hóa chất, các đơn vị đang xây dựng kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Theo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, để tạm thời có thuốc, vật tư hóa chất phục vụ bệnh nhân, các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai mua sắm gói thầu dưới 50 triệu đồng theo hướng dẫn tại khoản 4, Điều 23 của Luật Đấu thầu 2023.
Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất như hiện nay tại các các cơ sở y tế thì việc mua sắm với các gói thầu dưới 50 triệu đồng vẫn không kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của các cơ sở y tế, nhất là đối với những bệnh viện có ứng dụng kỹ thuật cao trong khám và điều trị cho người bệnh.
Được biết, không riêng gì Lâm Đồng, thời gian qua, ngành y tế các tỉnh thành cũng đã nhiều lần báo cáo về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Tuy nhiên cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất, phân nhóm kỹ thuật vật tư y tế. Liệu, ngành y tế các địa phương và người dân còn chờ đến bao giờ?
End of content
Không có tin nào tiếp theo