Tin tức - Sự kiện

Lâm Đồng: Vi phạm hành lang an toàn lưới điện và nguy cơ chết người lớn đang cận kề

DNVN - Tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng) xe múc "xẻ thịt" đồi san lấp hàng ngàn mét khối đất làm mặt bằng, lấp hàng loạt cột điện trung thế ngay cạnh đường Quốc lộ 27 vi phạm hành lang an toàn lưới điện, gây nguy cơ phóng điện nguy hiểm cho người và cháy, chập đường dây có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bổ sung dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực / Áp dụng biểu giá mua điện mặt trời mới: Thúc đẩy làn sóng đầu tư điện trên mái nhà tại hộ gia đình

Qua đường dây nóng của Doanh Nghiệp Việt Nam tiếp nhận phản ánh của người dân khu vực xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng về tình trạng một số hộ dân tự ý thuê xe múc xẻ nửa quả đồi san lấp hàng ngàn mét khối đất làm mặt bằng, lấp hàng loạt cột điện trung thế cạnh đường Quốc lộ 27, vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây nguy cơ phóng điện nguy hiểm cho người và cháy, chập đường dây có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nửa quả đồi bị san phẳng để lấy đất san lấp mặt bằng.

Ngày 14/4/2020 phóng viên Doanh Nghiệp Việt Nam đã có mặt tại hiện trường. Theo ghi nhận của phóng viên, vị trí mặt bằng được san lấp là taluy âm sát bên đường Quốc lộ 27 thuộc địa phận xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, các phương tiện thi công san lấp tại đây đã ngừng làm việc. Vị trí lấy đất là từ quả đồi đối diện taluy âm phía bên kia đường, theo ước tính có hàng nghìn mét khối đất đã được “xẻ thịt” từ quả đồi sang đổ vào taluy âm san lấp thành lô đất mặt tiền bằng phẳng có chiều ngang dài hàng trăm mét. Cũng tại vị trí san lấp này có 3 cột điện trung thế đã bị lấp đất đến nửa thân trụ điện. Khoảng cách từ mặt đất đến dây điện cao áp 22KV nhiều vị trí chỉ từ 3m - 4m, có vị trí đứng dưới mặt đất có thể với tay chạm vào đường dây hạ áp phía dưới.

Trụ điện bị lấp đất gần nửa thân trụ.

Theo quy định về khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện cho đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ hoặc các phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tại Khoản 4 Điều 51 của Luật Điện lực thì đối với điện áp 22KV thì khoảng cách an toàn để không bị phóng điện là trên 4m. Như vậy với khoảng cách tại vị trí trên thì nguy cơ phóng điện, điện giật có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Bà N.T.P, sinh sống gần khu vực này cho biết: ”Gia đình tôi có 2 cháu nhỏ học cấp 1 và 2, được nghỉ học từ trước tết đến giờ. Ngày nào tôi cũng phải canh chừng, dặn dò 2 cháu và các cháu trong xóm không được thả diều, đạp xe, chơi dưới vị trí gần đường dây điện vì rất nguy hiểm”.

Bà cũng chia sẻ thêm, tình trạng múc đất bên đồi san lấp mặt bằng, vùi lấp cột điện đã diễn ra trong thời gian dài, mong các cơ quan sớm xử lý, khắc phục cho bà con yên tâm sinh sống.

Tại vị trí này đất vùi lấp quá nửa thân trụ điện.

Trao đổi với phóng viên Doanh Nghiệp Việt Nam, ông Thái Thanh, cán bộ phòng Kỹ thuật, Điện lực Đam Rông cho biết, hiện Điện lực Đam Rông đã nắm được tình hình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tại vị trí trên. Tại các trụ điện cao áp bị đổ đất vùi lấp là đất của chủ hộ Nguyễn Thị Thu Hương (có hộ khẩu thường trú tại xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Cách đây ít ngày Điện lực Đam Rông cùng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đam Rông có kiểm tra thực tế và lập biên bản vi phạm đối với bà Nguyễn Thị Thu Hương. Kết cấu lưới điện bị ảnh hưởng thuộc khoảng trụ 471/237 đến 471/240 tuyến 471 Rô Men, đường dây 22 KV.

Ông Thanh cũng cho biết thêm: “Do người dân xung quanh khu vực phản ánh kịp thời nên chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Hiện tại Điện lực Đam Rông đã cho cắm 2 biển cánh báo điện áp cao nguy hiểm để người dân tránh xa và sau đợt cách ly xã hội phía đơn vị sẽ sớm có hướng dẫn cho chủ hộ vi phạm hoàn tất các thủ tục để bên Điện lực Đam Rông tiến hành di dời trụ điện nhằm đảo bảo khoảng cách an toàn theo quy định”

Biên bản làm việc với chủ hộ vi phạm.

Được biết, để bảo vệ an toàn các công trình lưới điện, hàng năm ngành điện lực Lâm Đồng thường xuyên thực hiện các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân sống tại khu vực có công trình đường dây đi qua. Đồng thời, tổ chức ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp đối với các đơn vị thi công công trình, những tổ chức, cá nhân có các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh sống gần các công trình lưới điện cao áp...

Theo Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền do vi phạm quy định an toàn điện thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Ngoài hình thức xử phạt chính (phạt tiền), cá nhân, tổ chức vi phạm có thể phải chịu các hình thức phạt bổ sung như tịch thu phương tiện vi phạm, bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm,… Với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng, hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính một lần mà vẫn tiếp tục vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự với mức phạt từ 6 tháng đến 10 năm tù.

Lê Trường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo