Làm gì để Huế xứng tầm trung tâm giáo dục – đào tạo chất lượng cao?
Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước / Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế "trổ tài"gói bánh chưng, bánh tét cùng trẻ em Làng SOS
Chiều 18/3/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Nghị quyết “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm một trong những trung tâm Giáo dục – Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước”.
Sinh viên Huế tham gia nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)
Dự thảo Nghị quyết “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm một trong những trung tâm Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước” đề ra nhiều chỉ tiêu cụ thể, như: Quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hàng năm không thấp hơn 20%, quy mô tuyển sinh từ 11.000-12.000 sinh viên đại học, 16.000-18.000 học viên, sinh viên học nghề.
Đại học Huế mở 50 ngành, chuyên ngành đào tạo mới. Có ít nhất 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo hoặc tiếp tục học tập, nghiên cứu. Tăng tỉ lệ trường đạt kiểm định chất lượng, trường đạt chuẩn quốc gia tất cả các cấp bậc học trên địa bàn lên 90,79%...
Nghị quyết cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, như: Tiếp tục rà soát, sắp xếp hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp và cơ sở đào tạo; Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục, đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng như xã hội hoá giáo dục nhằm phát triển GD&ĐT chất lượng cao.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, sau gần 10 năm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết 10-NQ/TU, ngành GD&ĐT tỉnh đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng.
Quy mô mạng lưới trường lớp, thiết chế cơ sở đào tạo từng bước hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại. Chất lượng giáo dục phổ thông, công tác phổ cập giáo dục - xoá mù chữ được duy trì vững chắc. Gíáo dục đại học đạt nhiều thành tựu về đổi mới tăng cường tính tự chủ, chất lượng nguồn nhân lực đào tạo trình độ đại học được nâng cao.
Theo ông Tân, để hướng tới mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn của cả nước về GD&ĐT đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao thì cần đổi mới toàn diện giao dục phổ thông và giáo dục đại học.
“Cần xây dựng chính sách đào tạo bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong bối cảnh mới, nhất là yêu cầu về nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị.
Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao dự thảo của Nghị quyết và cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế rất quan tâm và xác định rõ về quan điểm và chủ trương quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm GD&ĐT của cả nước.
Tuy nhiên, theo đại diện các cơ quan, đơn vị, trường học, để thực hiện được mục tiêu đề ra, phải làm sao để thu hút mọi người từ nhiều nơi về Huế học, đúng nghĩa sức hút của một trung tâm giáo dục. Để làm được điều đó, cần quan tâm đến thực tế GD&ĐT của Huế hiện tại; xác định rõ ràng, cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết. Cần quy hoạch mạng lưới đào tạo để các trường xây dựng chiến lược, tập trung cho một số lĩnh vực có thế mạnh, gắn kết vai trò doanh nghiệp…
Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), cần xác định rõ mối quan hệ phối hợp giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, vấn đề liên kết đào tạo.
Bên cạnh đó, cần chú trọng tạo môi trường giáo dục số không những ở bậc đại học mà còn cả phổ thông. Đặc biệt, cần quan tâm tạo môi trường học tập và nghiên cứu tại Huế cho học sinh và sinh viên.
Cùng quan điểm, ThS. Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cũng cho rằng, môi trường học tập là rất quan trọng. Phải nghĩ đến việc không chỉ đào tạo cho người học tại Huế mà còn cho các nơi về học. Tạo một hệ sinh thái, môi trường học mà người học cần gì cũng có, vừa an toàn, an ninh. Tỉnh tạo môi trường pháp lý, đất đai thì có thể kêu gọi đầu tư được.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần có giải pháp để tạo ra môi trường học tập, không chỉ đầu ra việc làm mà còn môi trường khởi nghiệp, môi trường để vươn lên làm giàu, phục vụ xã hội. Tạo được môi trường học tập tốt, sẽ giữ chân học sinh giỏi ở lại Huế học và thu hút người học từ các địa phương về Huế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao các ý kiến tham gia của các đại biểu, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo đến từ các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị giáo dục trên địa bàn. Đơn vị soạn thảo Nghị quyết sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung và hoàn chỉnh, trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết trong thời gian tới.
“Đây là Nghị quyết mang tính bản lề, nền tảng cùng với các nghị quyết về trung tâm văn hóa du lịch, y tế chuyên sâu, KH&CN, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo