Tin tức - Sự kiện

Lan tỏa khát vọng vươn lên tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân

DNVN – Sáng 02/12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2019 với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại phiên họp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các cấp, các ngành phải có khát vọng vươn lên, lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và từng người dân để vượt khó, sáng tạo làm giàu.

Chỉ số giá tiêu dùng TP.HCM tăng 0,52% / Doanh nghiệp bất ngờ bị "tra tấn" vì chiêu lừa đảo mới

Phiên họp Chính phủ tháng 11/2019 chỉ diễn ra trong nửa ngày với nhiều nội dung quan trọng, trọng tâm là những vấn đề sau: Tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 11 và 11 tháng năm 2019; dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2019; công tác xây dựng thể chế, trong đó có xây dựng dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)...
Về tình hình KTXH, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại, tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, thuận lợi hơn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển, khẳng định những kết quả toàn diện trên các mặt mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát. CPI tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao, tuy nhiên CPI bình quân 11 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Một thông tin đáng chú ý khác là NHNN đã quyết định tiếp tục hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và ngay sau đó, 4 ngân hàng thương mại lớn đã công bố chính sách cho vay mới đối với nhóm khách hàng ưu tiên.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Khu vực công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá (IIP tăng 9,3%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao (sắt, thép tăng 37,5%; xăng, dầu tăng 23,9%; tivi tăng 14,6%; điện thoại thông minh tăng 14,2%; vải dệt tăng 11,7%).
Thị trường thương mại sôi động, phát triển ổn định, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng 11,8% (riêng tháng 11/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6%, đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây). Thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng mạnh, đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng khá, xuất siêu ở mức cao. Xuất khẩu đạt trên 241 tỷ USD, tăng 7,8%. Khu vực trong nước tăng 18,1%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,8%; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước chiếm 31% kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu 9,1 tỷ USD. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển khá; vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 11,2 tỷ USD, tăng 47,1%. Cả nước có 126.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình hình KTXH cũng nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế. Cụ thể là sản xuất công nghiệp tháng 11 có dấu hiệu tăng chậm lại (tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước); 11 tháng đầu năm chỉ tăng 9,3% thấp hơn mức tăng 10% của năm 2018.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Giải ngân nguồn vốn Trung ương quản lý giảm 15,8%. Sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, có 27.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 15.800 doanh nghiệp giải thể.
Xuất khẩu 11 tháng đầu năm tăng 7,8%, có xu hướng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2017 (tăng 22,1%) và 2018 (tăng 14,6%).
Về nhiệm vụ thời gian tới, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, cơ cấu lại DNNN, nông nghiệp, công nghiệp-thương mại, giao thông vận tải, du lịch và dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, thanh tra, phòng chống tham nhũng, quốc phòng, an ninh và đối ngoại...
Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2019. Khối lượng công việc vẫn còn bề bộn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực theo đúng kế hoạch đề ra nhằm hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng Chính phủ cũng có các chỉ đạo cụ thể với các vấn đề nổi cộm hiện nay, như phải có biện pháp kịp thời để bình ổn giá thịt lợn trong dịp cuối năm, tập trung ngăn chặn sự lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn châu Phi; quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài để gỡ “thẻ vàng” EU đối với thuỷ sản Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm, nhất là các dự án ngành điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm ngành GTVT; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hình ảnh "đường lưỡi bò" trên các ấn phẩm sách báo, phim ảnh, hàng hóa, phần mềm…; chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch việc lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông…
Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 cần bám sát với các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020. Các chỉ tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu ở mức cao với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, “hành động và hành động hơn nữa để phục vụ nhân dân”, thể hiện khát vọng vươn lên của đất nước. Chúng ta phải có khát vọng vươn lên, khát vọng này phải có ở các cấp, các ngành, tính lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và từng người dân; cả dân tộc Việt Nam với khát vọng vươn lên, đổi mới tư duy, xóa bỏ tư duy cũ lạc hậu, ỷ lại, trông chờ... vượt khó, sáng tạo làm giàu.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm