Làng hoa tất bật chuẩn bị cho cao điểm thu hoạch vụ Tết
Hải quan áp dụng thuế môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn / Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường vào thôn Krăng Gọ 2 mấy ngày nay xuất hiện nhiều xe tải lớn, nhỏ ra vào để bắt đầu chở hoa cúc chậu đi tiêu thụ. Phía sau những căn nhà của người dân, các chậu cúc vàng đang chớm nở được xếp ngay ngắn thành những hàng dài hút tầm mắt. Đang lặt các nụ thừa trên cành hoa cúc để chờ xe tải về bốc hàng, ông Nguyễn Giàu (73 tuổi) phấn khởi cho biết, hai vợ chồng ông trồng 3.000 chậu hoa cúc lớn nhỏ các loại cho vụ Tết năm nay và hiện đã được thương lái đặt mua hết. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, gia đình ông có thể thu lãi khoảng 150 triệu đồng, thoải mái cho cả nhà ăn Tết lớn. “Nghề trồng hoa cúc này được tôi học từ ngoài quê ở Quảng Ngãi. So với trồng lagim thì lợi nhuận của trồng hoa cúc cao hơn nhiều nên bà con trong thôn rất phấn khởi” – ông Giàu nói.
Nghề trồng hoa cúc chậu của người dân thôn Krăng Gọ đã duy trì được gần 10 năm qua. Cứ đến tháng 7 âm lịch, bà con trong thôn sẽ dọn sạch vườn lagim (trồng các loại rau củ ngắn ngày) để mua cây giống hoa cúc về trồng chậu phục vụ cho thị trường Tết. Do hợp thổ nhưỡng, khí hậu, hoa cúc chậu ở Krăng Gọ phát triển nhanh, cho hoa to đẹp, cây cao đều nên được thị trường ưa chuộng. Hiện mỗi chậu cúc size lớn (đường kính tán hoa từ 40cm – 80cm) được người dân bán với giá từ 150.000 – 380.000 đồng tùy loại. Trong khi các loại hoa cúc chậu mini cũng được bán với giá vài chục ngàn đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyến (một trong những người đầu tiên trồng cúc chậu ở thôn Krăng Gọ 2), do có nhiều mối quen nên vườn hoa cúc hơn 1 hecta với 10.000 chậu lớn nhỏ của gia đình ông đã được thương lái đặt mua hết. Năm nay thời tiết khá bất thường nhưng vườn cúc của ông vẫn kịp nở để giao cho khách vào ngày 20 âm lịch sắp tới. Với vườn hoa cúc trên, gia đình ông có thể thu về khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ các chi phí, công cán chăm sóc. “Chúng tôi trồng hoa có uy tín nên các mối quen thường đến đặt hàng rất sớm, sau đó họ cọc tiền rồi đến ngày sẽ kêu xe tải vào chở hoa đi khắp các tỉnh, thành tiêu thụ” – ông Tuyến cho biết.
Ông Nguyễn Đình Tịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết, nghề trồng hoa cúc chậu tại thôn Krăng Gọ là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương. Trên cơ sở đó, huyện Đơn Dương đã định hướng cho người dân chuyển đổi một số diện tích trồng rau màu giá trị thấp sang trồng hoa chậu, hoa cắt cành nhằm đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Theo thống kê của địa phương, làng hoa cúc chậu tại xã Quảng Lập có khoảng 9 hecta với gần 20 hộ dân chuyên trồng hoa vào mỗi dịp cuối năm. Nghề trồng hoa cúc chậu đã giúp bà con có thu nhập cao hơn so với trồng lagim, ổn định đời sống trong những năm qua. Hiện nay, hoa cúc chậu Krăng Gọ được chở đi tiêu thụ khắp các tỉnh miền Nam như Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Thiết, Long An, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh... Thời gian cao điểm thu hoạch hoa cúc sẽ bắt đầu từ ngày 19, 20 âm lịch trở đi. Trong khoảng một tuần, hàng chục ngàn chậu hoa cúc lớn nhỏ sẽ lần lượt được xe tải chở đi các tỉnh, thành khoe sắc đón Xuân.
Tại Trà Vinh:Năm nay, nhiều hộ trồng hoa ở làng nghề ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức) và làng nghề ấp Long Bình (phường 4), thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh đang rất lo lắng do thời tiết bất lợi khiến nhiều loại hoa bị nở muộn, sâu bệnh hoặc héo xanh.
Ông Nguyễn Đình Trung, làng nghề trồng hoa kiểng ấp Vĩnh Yên với 50 năm làm nghề trồng hoa kiểng, cho biết, vụ Tết năm nay, gia đình ông trồng 8.000 chậu các loại cúc Đài Loan, cúc Tiger, cúc tím, vạn thọ Pháp, vạn thọ hương, mào gà, phụng vĩ trên diện tích 6.000 m2. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12/2024 đến nay, Trà Vinh liên tục xuất hiện các cơn mưa trái mùa khiến hơn 2.000 chậu cúc tím của gia đình bị sốc phân, héo xanh rồi chết cây, buộc lòng ông phải nhổ bỏ. Bên cạnh đó, nhiều chậu hoa cúc vàng gặp mưa nên chậm làm nụ khiến gia đình ông và nhiều hộ ở làng nghề đang rất lo lắng hoa nở không kịp Tết.
Ông Đinh Hoàng Vinh, làng nghề trồng hoa kiểng ấp Vĩnh Yên có thâm niên gần 20 năm trồng hoa. Năm nay, gia đình ông trồng 12.000 chậu hoa chủ yếu các loại cúc đại đóa, cúc mâm xôi, cúc tím, hướng dương, vạn thọ… Các cơn mưa trái mùa vừa qua khiến hoa bị sâu bệnh tấn công nhưng may mắn, gia đình ông đã xử lý kịp nên không bị ảnh hưởng nhiều năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, đến nay thương lái vẫn chưa đặt mua hoa, thỉnh thoảng lác đác vài khách mua lẻ gia đình ông đang rất lo lắng; trong khi thời điểm này những năm trước, thương lái đã đặt cọc gần hết ruộng hoa này.
Thời tiết bất lợi, hoa không chắc nở kịp Tết, cùng thị trường hoa Tết đang trầm lắng gây tâm lý e dè, thận trọng cho thương lái, họ không đặt cọc như mọi năm. Theo các nhà vườn, giá hoa năm nay cũng tương đương những năm trước, cụ thể: hoa vạn thọ 60.000 đồng/cặp, hoa mào gà từ 80.000-100.000 đồng/cặp, vạn thọ hương 100.000 đồng/cặp; cúc các loại 100.000-120.000 đồng/cặp.
Làng nghề trồng hoa kiểng ấp Vĩnh Yên và ấp Long Bình được UBND tỉnh công nhận từ năm 2011, với gần 200 hộ trồng hoa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 350 lao động địa phương.
Thời gian qua, để bảo tồn và phát triển 2 làng nghề này, thành phố Trà Vinh đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, như đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông; hạ thế điện, hỗ trợ người dân làng nghề tiếp cận nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất; thực hiện các đề tài tuyển chọn, nhân giống hoa…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh Nguyễn Văn Liêu cho biết, những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên người dân ở làng nghề không còn “mặn mà” với nghề trồng hoa kiểng. Vụ sản xuất hoa Tết năm nay, 2 làng nghề này trồng 330.000 chậu hoa, giảm 40.000 chậu so với cùng kỳ; trong đó, làng nghề ấp Long Bình trồng 80.000 chậu, ấp Vĩnh Yên trồng 250.000 chậu.
Các loại hoa chủ yếu như hoa giấy, cúc, vạn thọ, thược dược, cát tường, hoa chuông, dạ yến thảo, hoa đồng tiền… và hơn 1.000 gốc mai. Tổng doanh thu của làng nghề năm 2024 đạt khoảng 16 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 7,7 triệu đồng/lao động/tháng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo