Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Thủ tướng làm việc với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu / Hải quan áp dụng thuế môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn
Trải qua nhiều thăng trầm, người dân nơi đây vẫn miệt mài “giữ lửa’’cho nghề truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa này, góp phần tô thắm cho mùa Xuân, mang lại cái Tết cổ truyền ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng là một trong các làng nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Bến Tre. Khoảng hai tháng nay, nhiều hộ ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng tất bật, thức thâu đêm quây quần bên các lò bánh luôn “đỏ lửa” để tráng ra những chiếc bánh mang vị béo ngậy của dừa, vị thơm của mè rang nhằm kịp giao các đơn hàng cuối năm cho người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Thanh Huy, ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm gia đình có 3 đời cha truyền con nối làm nghề sản xuất bánh tráng cho biết, ròng rã hơn hai tháng nay, gia đình anh phải thức dậy từ lúc 1 giờ khuya để sản xuất bánh tráng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Mỗi ngày, gia đình anh Huy sản xuất và cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán khoảng 700 cái bánh tráng.
Theo anh Nguyễn Thanh Huy, nghề làm bánh tráng tuy kinh tế không cao nhưng gia đình vẫn gắn bó với nghề là do truyền thống của ông bà để lại, đồng thời bánh tráng cũng là loại văn hóa ẩm thực nổi tiếng của xứ dừa Bến Tre. Riêng ở huyện Giồng Trôm có hai làng nghề nổi tiếng là bánh tráng Mỹ Lồng ở xã Mỹ Thạnh và bánh phồng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng.
Anh Huy chia sẻ, làm nghề này tuy cực nhưng mình tự làm chủ mình được.Dù không làm giàu nhưng cũng đủ trang trải phần nào đó trong cuộc sống để tạo thêm thu nhập. Đặc biệt, vào dịp Tết khi nhìn bánh tráng phơi đầy sân nhà thì thấy không khí Tết hào hứng, sôi nổi hẳn lên và cũng tự hào vì mình đã góp phần làm đẹp cho mùa Xuân quê hương.
Như nhiều gia đình khác trong làng nghề, gia đình ông Nguyễn Thanh Tùng, ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, có hơn 50 năm gắn bó với nghề sản xuất bánh tráng chia sẻ, năm nay tuổi đã lớn nên không còn làm nhiều như trước, chỉ bán cho khách quen đến nhà mua sản phẩm.
Ông Tùng cho biết, trước đây làm bánh tráng lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, gần đây do cạnh tranh giữa các hộ nên lợi nhuận không còn được như trước. Riêng vụ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, do giá nguyên liệu tăng cao nên các hộ làm bánh tráng chủ yếu lấy công làm lời, chứ không lợi nhuận cao.
Theo các hộ sản xuất, bánh tráng Mỹ Lồng được làm từ các nguyên liệu như gạo, nước cốt dừa, đường, muối, mè…Để có được chiếc bánh đạt chất lượng, pha bột là khâu quan trọng nhất và từng gia đình sẽ có những bí quyết riêng để làm ra chiếc bánh đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời giữ vững danh tiếng của bánh tráng Mỹ Lồng. Về cách làm, gạo làm bánh được vo sạch rồi cho vào máy xay với nước cốt dừa, sau đó cho vừng đen hoặc trắng lẫn vào bột để sau này chiếc bánh được thơm ngon hơn. Ngoài ra, để tạo thêm hương vị thơm ngon hấp dẫn cho bánh tráng Mỹ Lồng, người sản xuất bánh còn cho thêm vào chất bột gạo tinh khiết một số phụ liệu như trứng gà, sữa.
Vụ sản xuất Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sản phẩm bánh tráng Mỹ Lồng trứ danhtiêu thụ rất mạnh trên thị trường. Hiện tại, các hộ sản xuất bánh sản xuất bánh tráng không đủ giao bán, chỉ bán theo hợp đồng đã ký trước để phục vụ trong dịp Tết.
Theo các hộ làm bánh tráng, mức tiêu thụ sản phẩm bánh tráng mang tính thời vụ, sản lượng tiêu thụ rất cao vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch. Giai đoạn này, các gia đình chuẩn bị ăn Tết cổ truyền. Vào dịp Tết, trung bình mỗi hộ cung cấp ra thị trường vào khoảng từ 25.000 đến 90.000 cái bánh tráng. Bánh tráng chủ yếu được tiêu thụ ở các tỉnh thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và gởi một số ít cho người thân ở nước ngoài.
Những năm trước, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có 211 hộ tham gia sản xuất bánh tráng dừa và giải quyết việc làm cho 495 lao động tại địa phương. Trong quá trình lao động sản xuất, người dân đã sáng tạo trong sự kết hợp các yếu tố văn hóa ẩm thực truyền thống của tổ tiên với điều kiện địa lý, tự nhiên, tạo nên các giá trị văn hóa mới, đáp ứng nhu cầu cư dân quanh vùng, nhu cầu của cộng đồng dân cư và nhu cầu của xã hội, trở thành sản phẩm riêng có của làng nghề địa phương Mỹ Lồng.
Tuy nhiên, theo UBND xã Mỹ Thạnh, vụ sản xuất Tết năm nay, do giá nguyên liệu (dừa) tăng gấp đôi so với năm trước và ảnh hưởng của thời tiết nên địa phương chỉ có hơn 60 hộ tham gia sản xuất bánh tráng, vì lo ngại không có lợi nhuận. Từ đó, dẫn đến bánh tráng phục vụ Tết trên thị trường khan hiếm “cung không đủ cầu”.
Theo ông Ngô Tấn Quyền, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng địa phương vẫn cố gắng, quyết tâm để giữ vững và phát huy làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng đã được công nhận văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Ngô Tấn Quyền cho hay hiện bánh tráng Mỹ Lồng đã được công nhận sản phẩm Ocop 3 sao cho chủ thể là Hợp tác xã bánh tráng Mỹ Lồng. Vì vậy, UBND xã sẽ hỗ trợ để nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, cải tiến nhãn mác, bao bì sản phẩm, tiêu thụ rộng rãi sản phẩm ra thị trường với sản lượng lớn hơn. Qua đó, góp phần giải quyết đầu vào nguyên liệu dừa tại địa phương cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm bánh tráng Mỹ Lồng ở các siêu thị, sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, thời gian tới, xã sẽ phối hợp với trung tâm khuyến công tỉnh và huyện để tiếp tục hỗ trợ thiết bị máy móc để làng nghể phát triển ổn định, nâng cao sản lượng, chất lượng bánh tráng ngày càng cao.
Riêng đối với các hộ sản xuất, xã Mỹ Thạnh cũng tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ với mức tối đa 50 triệu đồng mỗi hộ. Qua đó, giúp các hộ sản xuất bánh tráng chuẩn bị sớm các nguyên liệu như gạo, đường và các nguyên liệu khác để sản xuất vụ Tết, tránh được tình trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao dịp cuối năm.
Thời gian qua, từ nguồn vốn khuyến công tỉnh hỗ trợ đầu tư mô hình đề án dây chuyền sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng cho xã viên Hợp tác xã bánh tráng Mỹ Lồng. Nhờ đó, đến nay, xã có 6 hộ sản xuất bánh tráng theo hình thức công nghiệp, năng suất cao hơn tráng thủ công nhiều lần.
Bánh tráng Mỹ Lồng là một trong những sản phẩm văn hóa ẩm thực được người Bến Tre nói chung, Mỹ Lồng nói riêng, đã kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực của cha ông làm bánh cũng như làng nghề bánh phồng Sơn Đốc.
Làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng có hơn 100 năm, được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre công nhận làng nghề vào năm 2004 và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2008, được Tạp chí Ẩm thực Vinh danh danh hiệu “Tinh hoa đặc sản 3 miền” vào năm 2014 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 10 năm 2018.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam