Tin tức - Sự kiện

Long An triển khai trạm y tế lưu động

DNVN - Ngày 22/8, Sở Y tế Long An có công văn gửi tới các thành viên Sở Chỉ huy phòng chống COVID-19 của tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và TP Tân An về việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn TP Hồ Chí Minh để phát hiện F0 / Bộ Y tế phê duyệt sử dụng vaccine Pfizer BioNTech do Mỹ sản xuất

Theo đó, Giám đốc các Trung tâm Y tế các huyện phải khẩn trương xây dựng kế hoạch thiết lập các trạm y tế lưu động trình UBND huyện, thành phố phê duyệt; tổ chức triển khai hoạt động các trạm y tế lưu động theo kế hoạch được phê duyệt. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho các trạm y tế lưu động; đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, hậu cần và các điều kiện cần thiết để triển khai.

Tùy theo thực tế tại địa phương, trạm y tế lưu động phải đảm bảo các điều kiện sau: Cơ sở làm việc tùy theo điều kiện của địa bàn, UBND cấp xã chọn một cơ sở phù hợp cho trạm y tế lưu động làm việc, có thể lựa chọn nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn...

Trong trường hợp trên địa bàn không thể chọn được các công trình sẵn có thì xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho trạm hoạt động.

Ảnh minh họa.

Cơ sở làm việc tối thiểu phải bố trí nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết, khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, có thu gom rác thải y tế và có chỗ ngủ cho nhân viên y tế; Số lượng trạm y tế lưu động: Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã/phường/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động.

Một trạm y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các ấp, khu phố, tổ dân phố của các xã, phường, thị trấn khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính. Nhân lực trạm y tế lưu động, ,mỗi trạm y tế lưu động có tối thiểu 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 1 bác sĩ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu 1 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao.

Ngoài ra, trang thiết bị thiết yếu cho phòng, chống COVID-19 đảm bảo gồm: Xe lăn hoặc xe đẩy, cáng khiêng; nhiệt kế, huyết áp, ống nghe; máy đo SpO2 (tối thiểu 10 chiếc để có thể hỗ trợ đo nhiều gia đình trên địa bàn được giao); có ít nhất 2 bình loại 5 lít, túi oxy và 2 đồng hồ đo áp suất oxy; 2 mặt nạ thở oxy và các phụ kiện cần thiết khác để sử dụng oxy cho người bệnh; các đồ bảo hộ phòng, chống lây nhiễm SARS-COV-2, khẩu trang, găng tay, cồn khử khuẩn, kính chắn giọt bắn...; các sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-COV-2; bộ dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm RT-PCR; có ít nhất 2 số điện thoại thường trực tiếp nhận thông tin từ các gia đình có người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà; máy tính có kết nối internet để sử dụng phần mềm trong theo dõi, cập nhật thông tin sức khỏe trường hợp COVID-19, thành viên gia đình người nhiễm COVID-19 và người dân sống trên địa bàn có dịch COVID-19.

Đối với phương tiện vận chuyển, huy động xã hội hóa, đảm bảo mỗi Trạm y tế lưu động có 1 ô tô có gắn bình oxy, có xe đẩy hoặc băng-ca để vận chuyển người nhiễm COVID-19 đi cấp cứu kịp thời. Trường hợp không thể sắp xếp được xe, cần phối hợp với hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn để vận chuyển kịp thời các trường hợp nhiễm COVID-19 trở nặng đến các cơ sở y tế phù hợp nhanh nhất.

Phi Hùng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm