Lương mỗi ngày cả triệu đồng, tuyển dụng nghề hàn vẫn khó
SATRA đưa vào hoạt động cửa hàng tiện lợi thứ 210 / Cuộc chiến logistics đua theo kênh bán hàng online
Nhu cầu cao nhưng chưa nhiều người học
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nghề hàn luôn là một trong những nghề có tỷ lệ có việc làm cao nhất sau đào tạo. Tuy nhiên, số lượng người đăng ký học những ngành liên quan đến hàn tại các trường CĐ, trung cấp vẫn chưa cao.
Ông Nguyễn Tấn Định, nguyên phó ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Cách đây 5 năm hàn đã là một nghề vô cùng đắt giá, nhưng ít nơi đào tạo và cũng ít người học. Những sinh viên tốt nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Lý Tự Trọng... ra là được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay, với mức lương lúc đó đã gần 20 triệu đồng/tháng cho thợ có tay nghề cao. Thời điểm này, nghề hàn càng 'hot' vì các nhà máy sản xuất, xưởng cơ khí, công trình xây dựng… ngày càng nhiều, nhu cầu rất lớn”.
Sinh viên ngành hàn trong giờ thực hành. MỸ QUYÊN.
Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cũng cho hay hàn là một nghề có môi trường làm việc nặng nhọc, vất vả vì phải tiếp xúc với các tia lửa hại mắt, khói độc... “Có lẽ vì thế nên nhiều người còn ngần ngại theo học. Tại trường chúng tôi các em tốt nghiệp là có việc làm. Các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng rất cao”, ông Lộc nhận định.
Theo ông Lộc, hàn là một phương pháp gia công trong cơ khí, có khả năng ghép nối cố định các chi tiết cơ khí ở mọi loại kích thước. Hàn chiếm phần lớn khối lượng các công việc trong quá trình thi công trên công trường. Có các kỹ thuật hàn khác nhau như hàn điện, hàn TIG, hàn plasma, hàn điện áp lực, hàn dưới nước, hàn hơi, hàn ma sát...
Nhân lực kỹ thuật cao được trả lương xứng đáng
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế Lilama 2, nhìn nhận không chỉ Việt Nam, các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đang cần nguồn nhân lực hàn kỹ thuật cao. “Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành hàn nếu có bằng 3G (hàn kết cấu tấm ngang), 4G (hàn trên trần) hay 6G (hàn ống, mức tay nghề được đánh giá cao nhất), nếu muốn có thể làm trong nước hoặc ra nước ngoài làm việc. Mức lương của lao động có tay nghề 5G, 6G được doanh nghiệp trả trung bình là 1 triệu đồng/ngày. Dự án vào thời kỳ cao điểm, các doanh nghiệp có khi phải tranh giành thợ hàn, trả lên tới 1,5 - 2 triệu đồng/ngày”, ông Cường chia sẻ.
Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, cho biết thời gian tới trường sẽ tập trung đào tạo ngành hàn như một ngành học mũi nhọn, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. “Các công ty của Nhật cũng đang liên kết với trường để nhờ trường kiểm tra tay nghề của thợ hàn trước khi những lao động này sang Nhật làm việc. Họ đang rất thiếu nhân lực có tay nghề cao. Vì vậy, nếu đáp ứng yêu cầu, họ sẵn sàng trả mức lương xứng đáng”, bà Thủy thông tin thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất