Tin tức - Sự kiện

Mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Cụ thể, Tổng cục QLTT yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,cácđơn vịmở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm, thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: quần áo, giầy dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, hàng điện tử, điện lạnh…, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; đảm bảo ổn định thị trường.

Lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm, thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm. Ảnh: T.U.

Đồng thời, tập trung thực hiện các chuyên đề chống buôn lậu như thuốc lá; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, xăng dầu giả, kém chất lượng; lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền…

Bên cạnh đó, các đơn vị kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm đường phố; kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật. Kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát viêc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Song song với đó, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến…

Đặc biệt, Tổng cục QLTT yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tập trung phối hợp triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu quốc tế; các cơ sở sản xuất – kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm đang tồn tại trên địa bàn.

Theo Tố Uyên/Thời báo tài chính Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo