Đối mặt nhiều thách thức mới, doanh nghiệp gỗ xuất khẩu không thể chủ quan
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mong sản xuất phục hồi để đủ nguồn nguyên liệu / Xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc tăng đột biến
Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2023 có mức giảm “lịch sử” đến 15,4%. Trong đó, thị trường EU giảm lớn nhất với 38,2% so với năm 2022, tiếp đến là thị trường Hàn Quốc giảm 18,8%, thị trường Hoa Kỳ giảm 14,67%, thị trường Trung Quốc giảm 14,5%, thị trường Nhật Bản giảm 7,5%.
Nguyên nhân được xác định do lạm phát tăng đến hơn 8% tại một số thị trường nhập khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như EU, Mỹ nên những quốc gia này ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Thêm vào đó, chi phí logistic, giá gỗ nguyên liệu, vật tư đầu vào đều tăng do xung đột ở các nước Đông Âu.
Bước sang năm 2024, khó khăn, thách thức vẫn còn đeo bám ngành gỗ Việt bởi xung đột Đông Âu vẫn tiếp diễn nên chi phí logistic, giá gỗ nguyên liệu, vật tư đầu vào sẽ vẫn ở mức cao. Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm ngày càng gia tăng và cạnh tranh thương mại diễn biến ngày càng phức tạp.
Hơn nữa, một số thị trường chính của ngành gỗ Việt ngày càng yêu cầu khắt khe việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp. Yêu cầu sản phẩm gỗ không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Nhấn mạnh những thách thức mà ngành gỗ phải đối mặt trong năm 2024, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, bên cạnh các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ, chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ cũng đang làm khó các doanh nghiệp gỗ trong nước.
Đáng chú ý, các nghị sĩ Mỹ đang yêu cầu nước này cho tiến hành nghiên cứu cường độ phát thải đối với việc sản xuất một số hàng hóa bên trong và ngoài nước Mỹ. Quy chế chống mất rừng của EU cuối năm 2024 sẽ có hiệu lực. Nhật Bản yêu cầu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước này phải sử dụng gỗ nguồn có nguồn gốc rõ ràng. Những điều này sẽ gây khó không ít cho doanh nghiệp Việt thời gian tới.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho rằng, hiện ở Việt Nam có khoảng 500.000ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC). Riêng năm 2023 có 65.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và chứng chỉ này của Việt Nam cơ bản đã được các nước chấp nhận.
“Tương lai không xa, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam cũng phải đo đếm lượng phát thải khí nhà kính. Bởi vậy, ngay từ bây giờ phải tính toán để làm sao giảm phát thải đến mức thấp nhất. Các doanh nghiệp phải chủ động kết nối với người trồng rừng để có nguồn nguyên liệu có nguồn gốc. Tích hợp đa giá trị, sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Trị nhấn mạnh.
Để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia quản lý rừng bền vững, sử dụng nguyên liệu được chứng nhận, phát triển sản xuất theo hướng carbon thấp, thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách.
Các cơ chế, chính sách cần tập trung vào các khuyến khích tài chính, ưu đãi đầu tư cho xanh hóa sản xuất, sản xuất hàng hóa không gây mất rừng. Thúc đẩy tiêu dùng gỗ, sản phẩm gỗ có chứng nhận và có các cơ chế giám sát, tạo sự công bằng trong sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ được chứng nhận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo