Thị trường

Xuất khẩu gỗ: Đằng sau con số tăng trưởng mạnh

DNVN - Chia sẻ tại “Hội thảo tập huấn cho báo chí về Chuỗi giá trị lâm sản và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT”, ông Ngô Sỹ Hoài- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng đằng sau con số này còn nhiều lo ngại.

Xuất khẩu gỗ đạt 16 tỷ USD “trong tầm tay” / Xuất khẩu gỗ dồi dào đơn hàng bất chấp dịch COVID-19

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 9 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 11,4%.

Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, giá xuất khẩu các mặt hàng như dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ đang tăng trưởng rất tốt. Viên nén dần trở thành điểm sáng của ngành gỗ khi nhu cầu và giá xuất khẩu tại thị trường quốc tế tăng cao tạo cơ hội cho sản phẩm mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Tính đến nay, giá viên nén xuất khẩu sang EU đã tăng từ 100 USD/ tấn vào cuối năm 2021 lên gấp đôi.

Giá viên nén xuất khẩu sang EU đã tăng từ 100 USD/ tấn vào cuối năm 2021 lên gấp đôi.

Các chuyên gia của Tổ chức Forest Trends và Viforest nhận định nếu tốc độ tăng trưởng duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ trong cả năm 2022 có thể đạt trên dưới 700 triệu USD. Trong tương lai, viên nén có khả năng sẽ lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Sự tăng trưởng đáng chú ý của mặt hàng viên nén gỗ được cho là do nhu cầu sử dụng trên thế giới đang tăng mạnh khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm mất nguồn cung khí đốt từ Nga cho các quốc gia khu vực châu Âu (EU).

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest, đằng sau con số tăng trưởng mạnh của hoạt động xuất khẩu gỗ Việt còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Con số tăng trưởng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam tăng nhanh do được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thị trường Mỹ mỗi năm nhập khẩu khối lượng sản phẩm gỗ tương đương 12 tỷ USD. Trước đây, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 14-15 tỷ USD nhưng nay giảm xuống chỉ còn khoảng 1 tỷ USD (năm 2021).

Sự tăng trưởng gỗ và sản phẩm gỗ Việt xuất khẩu sang thị trường Mỹ rất đáng suy nghĩ bởi nhân công cho lao động sản xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam quá rẻ so với các nước khu vực.

Đối với sản phẩm viên nén gỗ, theo ông Hoài, từ đầu năm tới nay, nhiều khách hàng EU sang Việt Nam tìm kiếm đối tác xuất khẩu và đã ký nhiều hợp đồng với doanh nghiệp Việt song thời gian giao hàng phải trễ lại tới đầu năm 2023 vì sản xuất không kịp. Bởi vậy, phần xuất khẩu viên gỗ nén sang châu Âu chưa nhiều.

“Tăng trưởng “nóng” sản phẩm viên gỗ nén tạo ra một số lo ngại liên quan đến chặt gỗ rừng sớm hơn kỳ hạn. Nếu chỉ trồng gỗ nhỏ làm dăm gỗ, viên gỗ nén thì giá trị gia tăng không cao, ngành công nghiệp quan trọng nhất của chúng ta là chế biến sản phẩm gỗ nội ngoại thất có nguy cơ thiếu nguyên liệu”, ông Hoài lo ngại.

Ông Ngô Sỹ Hoài- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest chia sẻ tại“Hội thảo tập huấn cho báo chí về Chuỗi giá trị lâm sản và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT”. (Ảnh: Hà Anh)

Việt Nam được cho là đã tự túc 70-80% nguồn cung cho ngành gỗ. Tuy nhiên, Việt Nam lại là nước nhập khẩu hầu hết là gỗ lớn vì khách hàng yêu cầu rất khác nhau về sản phẩm nội, ngoại thất.

Việt Nam trong những năm gần đây đã trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới tiêu thụ gỗ của Mỹ (sau Trung Quốc). Mỗi năm, Việt Nam phải bỏ ra trên 300 triệu USD để nhập khẩu 1 triệu m3 khối gỗ từ Mỹ.

Đó là chưa kể tới, thế giới ngày càng soi xét nhiều hơn tính hợp pháp của gỗ, cả chính sách mua sắm công, lẫn mua bán trên thị trường. “Hợp pháp” và “bền vững” trở thành 2 từ khóa quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu gỗ.

Vừa qua đoàn doanh nghiệp Mỹ của Bộ Thương mại Mỹ chủ động sang Việt Nam đi kiểm tra các doanh nghiệp hợp tác tốt (khoảng 40 doanh nghiệp). Phái đoàn muốn kiểm tra thực nghiệm theo sự lựa chọn ngẫu nhiên. Họ kiểm tra xem doanh nghiệp khai báo có đúng không, nhà máy có thực sự sản xuất không.

“Trước thực trạng trên, Viforest đang tranh luận tạo ra tình thế win – win để doanh nghiệp Việt có đủ nguyên liệu cho cả viên nén gỗ và sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất. Cùng với việc trồng rừng gỗ nhỏ, ngành lâm nghiệp cần tăng cường giải pháp duy trì diện tích trồng rừng gỗ lớn. Các doanh nghiệp chế biến đồ nội ngoại thất xuất khẩu cần liên kết mạnh mẽ hơn với nông dân để đóng vai trò dẫn dắt, tạo động lực kéo dài chu kỳ trồng rừng”, ông Hoài khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm