Môi trường

Lao động nữ đứng trước nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập vì biến đổi khí hậu

DNVN - Các đại biểu tham gia Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu (COP27) cho rằng biến đổi khí hậu có nguy cơ làm giảm cơ hội việc làm được trả lương của phụ nữ.

Những kịch bản tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu / 3 rào cản lớn khiến doanh nghiệp tư nhân "lạnh nhạt" với đầu tư thích ứng biến đổi khí hậu

Các đại biểu tham gia Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu (COP27) đã đánh giá tiến độ của quốc gia trong việc lồng ghép giới vào các chính sách khí hậu, đặc biệt là năm lĩnh vực ưu tiên y của Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) của Việt Nam và thảo luận các chính sách khí hậu phù hợp cũng như NAP Việt Nam sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc tạo ra những thay đổi có tác động để tăng cường khả năng phục hồi cho phụ nữ và nam giới ở cấp địa phương.

Biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với một số nhóm phụ nữ do những khác biệt về giáo dục, y tế, việc làm, khả năng tiếp cận và làm chủ các nguồn tài nguyên và tài chính, cơ hội tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, phân công lao động.

Biến đổi khí hậu có nguy cơ làm giảm cơ hội việc làm được trả lương của phụ nữ và gia tăng những khác biệt này. Bên cạnh đó, vai trò của phụ nữ cũng chưa được nhìn nhận đúng mức. Theo truyền thống, phụ nữ thường được coi là “nạn nhân’’ của các tác động khí hậu và ít được coi là “đối tượng chủ động trong thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Tuy nhiên, phụ nữ đã và đang có những đóng góp tích cực và quan trọng trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy phụ nữ có khả năng thích ứng và phục hồi sau thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Phụ nữ có khả năng thích ứng và phục hồi sau thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan
do biến đổi khí hậu gây ra.

Việt Nam cam kết đưa vấn đề bình đẳng giới và hành động vì khí hậu trong chương trình nghị sự cao nhất của đất nước và Việt Nam là thành viên tích cực của tất cả các thỏa thuận quốc tế nhằm thúc đẩy các mục tiêu này.

Chia sẻ tại buổi đối thoại Tại "Đối thoại sau COP27 về lộ trình chung hướng tới lồng ghép giới trong thực hiện các chính sách khí hậu", ngày 9/12, ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng những nỗ lực không ngừng để lồng ghép bình đẳng giới đang dần tạo ra những tiến bộ rõ rệt, thể hiện qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó có nhiệm vụ "đảm bảo an sinh xã hội và bình đẳng giới" tập trung vào nâng cao nhận thức, năng lực tri thức, khả năng tiếp cận vốn.

“Báo cáo “Lồng ghép giới vào kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu" của Việt Nam đã cung cấp một cái nhìn tổng quan và cập nhật về khí hậu, cơ cấu quản trị giới, xem xét các yếu tố dẫn đến bất bình đẳng giới và tính dễ bị tổn thương của phụ nữ trước tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời phân tích các tình trạng lồng ghép giới vào các chính sách ngành, trước khi đưa ra một loạt các khuyến nghị. Báo cáo này sau đó sẽ được đệ trình lên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)”, ông Tấn cho biết.

Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), bình đẳng giới thường được nhắc đến như một “nguyên tắc” trong các chính sách, điều này đánh dấu một bước đi đúng hướng.

Tuy nhiên, cần phải phát triển các công cụ thực tế để chuyển từ lý thuyết ở cấp trung ương sang thực hiện ở cấp địa phương. Điều này đòi hỏi phải xây dựng các hướng dẫn cụ thể về giới cho các bộ ngành và các tỉnh trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Mối liên hệ giữa bình đẳng giới và ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng được hiểu rõ hơn. Khảo sát cho thấy một số bộ có mức độ hiểu biết nhất định, trong khi ngược lại, với nhiều cơ quan, vấn đề bình đẳng giới vẫn được coi là “phần bổ trợ”. Chúng ta cần cùng nhau tiếp tục nâng cao nhận thức, cũng như xây dựng cơ sở tri thức và giáo dục tất cả các bên liên quan”, ông Lai nói.

Tham dự buổi đối thoại có hơn 100 đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA), DCC, UNDP và các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các Đại sứ quán, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, các học viện. Kết quả và các thông tin thu thập được qua ba nhóm thảo luận sẽ được thu thập và tổng hợp để đưa vào hoàn thiện Lộ trình và thiết lập một kế hoạch hành động cùng nhau thực hiện các hành động về giới.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm