Tuyên chiến với rác thải nhựa để "nước mắt" đại dương ngừng rơi
TP.HCM: Hướng đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển / TP Huế đặt mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024
Việt Nam đứng thứ 4/20 quốc gia có lượng RTN xả ra biển nhiều nhất thế giới
Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ước tính hơn 80% chất thải nhựa đại dương hằng năm có nguồn gốc từ đất liền, trong đó đóng góp chính là RTN. 70% RTN ở biển sẽ chìm xuống đáy biển và phá hoại các hoạt động sống ở đáy biển.
Việt Nam đứng thứ 4/20 quốc gia có lượng RTN xả ra biển nhiều nhất thế giới, với khối lượng RTN xả ra biển dao động trong khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng RTN thế giới xả ra biển. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/người/năm vào năm 1990, tăng lên 54kg/người/năm vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng.
Theo nghiên cứu của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về đánh giá số lượng và khối lượng RTN trên 30 bãi biển tại 10 khu bảo tồn biển của Việt Nam cho thấy, trung bình trên 100m chiều dài bãi biển sẽ có số lượng RTN là 7.374 mảnh và 94,58 kg. Trong RTN, loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất về số lượng là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ, tổng số lượng các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải. Tiếp đến là các loại RTN dùng một lần, như: hộp xốp đựng thức ăn, chai nhựa, túi nilon...
Cửa Hội (nơi con sông Lam đổ ra Biển Đông) thuộc khu vực xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ngập trong rác thải.
Nguyên nhân gây ra ô nhiễm RTN trên biển do ý thức của người dân khi xả rác bừa bãi, rác theo ống nước ngầm, sông, suối… trôi ra biển. Ngoài ra, RTN phát sinh từ các hoạt động du lịch trên biển, hoạt động đánh bắt hải sản. Những chiếc lưới, dụng cụ đánh bắt hải sản hỏng bị vứt đi hoặc rơi xuống biển và cả chất thải từ tàu lưu thông trên biển cũng là nguyên nhân làm tăng RTN trên biển. Mặt khác, sự tàn phá từ bão, sóng thần cuốn theo đồ đạc, vật dụng bằng nhựa, RTN từ đất liền xuống biển…
Có mặt tại Cửa Hội - nơi con sông Lam đổ ra Biển Đông, thuộc khu vực xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, chúng tôi chứng kiến rác thải tràn ngập trên bờ.
Tại đây, rác thải bủa vây hàng km chiều dài dọc bờ sông khiến nước ven bờ đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Phần lớn rác là các chai nhựa, chai thủy tinh, túi nilon, bao bì, hộp xốp… Các vật dụng bị hỏng, như: Mũ bảo hiểm, giày, dép, quần áo, lưới, ván thuyền… cũng bị vứt tại khu vực này. Tình trạng rác thải ở đây đã tồn tại nhiều năm nay, nguyên nhân là do người dân xả rác bừa bãi cộng thêm rác từ nơi khác trôi dạt về. Mỗi năm, chính quyền địa phương tổ chức 2-3 đợt dọn vệ sinh rác thải, tuy nhiên tình trạng này vẫn tái diễn.
Tương tự như ở Cửa Hội, biển Vũng Tàu cũng xuất hiện nhiều RTN. Ông Vũ Hùng Bằng, 51 tuổi, nhân viên vệ sinh môi trường của Công ty CP Dịch vụ Môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu chia sẻ: RTN xuất hiện nhiều tại đây là do ý thức của người dân, khách du lịch vứt rác bừa bãi cùng với đó là rác từ nơi khác trôi dạt về.
Chế tài xử phạt không đủ sức răn đe nên người dân vẫn vô tư vứt rác, chính quyền địa phương cũng chưa thực sự quyết liệt trong vấn đề này. Hằng ngày, gần 80 người của công ty cùng các phương tiện làm nhiệm vụ dọn rác biển Vũng Tàu nhưng không thể dọn hết được rác thải đại dương. Cứ dọn sạch thì một vài ngày sau RTN lại xuất hiện.
Hiểm họa từ rác thải nhựa đại dương
Theo các chuyên gia, RTN đại dương trở thành mối nguy lớn cho môi trường biển bởi có số lượng lớn, đặc tính khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Một chiếc túi nilon có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.
Theo thời gian RTN bị phân rã thành các mảnh nhựa với nhiều kích thước rất nhỏ, siêu nhỏ khác nhau, những mảnh vi nhựa này lẫn trong nước biển gây ra cái chết hàng loạt loài cá và sinh vật biển, tác động xấu đến hệ sinh thái biển.
Nghiêm trọng hơn, con người khi sử dụng cá, hải sản và các sản phẩm từ biển bị nhiễm vi nhựa lâu ngày có thể dẫn đến một loạt các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Chia sẻ với chúng tôi trong chuyến khảo sát ô nhiễm RTN tại khu vực Cửa Hội, Chị Phạm Thị Minh, 39 tuổi, người dân xóm Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết nhà chị Minh cách bờ sông Lam khoảng 100m nên hàng ngày phải ngửi mùi hôi thối của rác thải bốc lên khiến chị thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp.
Không chỉ riêng chị, mà có không ít bà con ngư dân nơi này cho dù tuổi đời chưa già nhưng sức khỏe yếu đi trông thấy. Việc đánh bắt cá và thường xuyên ăn cá được đánh bắt tại khu vực ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân nơi đây.
Đó là tác động ngay trước mắt, còn về lâu dài, RTN sẽ khiến cho đất đai vùng ven biển nhưCửa Hội bị thay đổi tính chất vật lý. Đất dễ bị xói mòn đất, không giữ được nước, chất dinh dưỡng, ngăn cản oxy và giảm mất chất lượng đất, gây ảnh hưởng lâu dài đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Mặt khác, con người sẽ phải chi trả một khoản phí lớn cho việc vệ sinh môi trường biển.
Nâng cao khoa học công nghệ xử lý RTN và không thể giải quyết đơn lẻ
Tính đến năm 2030, sản lượng nhựa trên toàn thế giới sẽ tăng lên gấp đôi. Để có thể giải quyết được vấn đề RTN trước tiên cần xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia, phải nhận thức rằng đây là vấn đề toàn cầu và cốt lõi, là nâng cao khoa học công nghệ để xử lý RTN ở Việt Nam.
Vấn đề này không thể giải quyết đơn lẻ bởi riêng các cơ quan, ban, ngành nào, mà nó cần sự chung tay đến từ toàn xã hội.
Cùng với nỗ lực của các nước trên thế giới, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý RTN dùng một lần.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về RTN; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý RTN ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương để triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường.
Việt Nam đang chuẩn bị tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Theo ông Hoàng Xuân Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc Việt Nam tham gia đàm phán thỏa thuận này có ý nghĩa to lớn bởi đã thể hiện vai trò, trách nhiệm quốc gia, đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết vấn đề thách thức toàn cầu, đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập với quốc tế về vấn đề này.
Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Đồng thời là cơ hội để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sạch thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn lĩnh vực nhựa, tăng cường hợp tác và hỗ trợ quốc tế.
Cũng theo ông Huy, các giải pháp khoa học - công nghệ, mô hình phát triển kinh tế, chiến lược, kế hoạch hành động nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm RTN trong thời gian tới cần được tăng cường, thúc đẩy (gồm kinh tế tuần hoàn, sản xuất sản phẩm nhựa sinh học thân thiện môi trường, tái chế - tái sử dụng, các sản phẩm thay thế).
Đồng thời, phải có cơ chế rõ ràng trong việc khuyến khích những mô hình phát triển xanh, sạch thân thiện môi trường hoặc xử phạt những vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa, xử lý ô nhiễm chất thải nhựa. Và điều quan trọng là cần chuẩn bị nguồn lực, kế hoạch và lộ trình thực hiện sau khi ký kết và phê chuẩn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo