Môi trường

Vì môi trường Việt Nam: Bốn khuyến cáo của UNDP

DNVN - Tại “Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022”, sáng 28/5, bà Caitlin Wiesen, trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam đã đưa ra 4 khuyến cáo cho cuộc đổi mới về môi trường Việt Nam.

5 xu hướng cấp bách đối với môi trường làm việc doanh nghiệp giữa đại dịch / Vật liệu xây không nung: Giải pháp sáng tạo vì môi trường

Theo bà Caitlin Wiesen, cách đây 50 năm, Hội nghị đầu tiên của Liên Hợp Quốc về Môi trường Con người được tổ chức tại Stockholm vào năm 1972. Và năm nay, cả thế giới đang xem xét những thách thức chính mà con người và hành tinh đang phải đối mặt, với việc các quốc gia sẽ gặp mặt ở Stockholm vào tuần tới để lên ý tưởng và hành động để vượt qua những thách thức đó.

Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã và đang làm việc với Đại sứ quán Thụy Điển và Bộ Tài nguyên để hỗ trợ quá trình tham vấn quốc gia nhằm đưa tiếng nói của Việt Nam về các vấn đề này ra toàn thế giới.

Với các cam kết về khí hậu đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam hiện đang ở một thời điểm mang tính quyết định trong việc chuyển đổi phương thức phát triển để mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế và môi trường.

Điều này bao gồm các phương thức tiếp cận xanh, thích ứng với khí hậu về công nghệ, thị trường vốn, chuỗi cung ứng, mô hình kinh doanh và sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới.

Bà Caitlin Wiesen- Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam đưa ra 4 khuyến cáo cho cuộc đổi mới về
môi trường Việt Nam.

“Việt Nam cần một công cuộc “đổi mới” về môi trường và khí hậu, để có được sự phục hồi kinh tế xanh và bao trùm sau đại dịch COVID-19 trong tiến trình nỗ lực để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời vẫn bảo vệ được các nguồn tài nguyên và môi trường cho thế hệ tương lai”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Để bảo đảm phát triển kinh tế nhanh mà vẫn giữ được nguồn tài nguyên, môi trường cho thế hệ tương lai, bà Caitlin Wiesen đưa ra 4 khuyến cáo Việt Nam cần thực hiện.

Thứ nhất, chuyển đổi năng lượng công bằng do tốc độ phát triển nhanh về kinh tế có thể dẫn tới các hệ lụy môi trường. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Phát triển nguồn tài nguyên này sẽ giúp cung cấp năng lượng bền vững cho nền kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng và chuyển đổi nhiều ngành kinh tế khác sang hướng phát triển xanh.

Tuy nhiên, có một số trở ngại đối với quá trình chuyển đổi xanh và công bằng, chẳng hạn khung pháp lý cho ngành điện (gồm cả việc định giá điện); hệ thống truyền tải; thị trường khu vực và bảo đảm tài chính.

Thứ hai, phát triển kinh tế đại dương. Bằng cách chuyển đổi sang nền kinh tế biển xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan, xanh hóa hàng hải, cảng biển để phát triển du lịch gắn liền với quy hoạch không gian biển, khai thác các nguồn tài nguyên bền vững.

Thứ ba, tăng cường hợp tác toàn cầu. Nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và thúc đẩy tiến trình hướng tới có một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế, ngăn ngừa và giảm tác động môi trường của loại ô nhiễm này.

Thứ tư, Việt Nam cần bảo đảm nguồn tài chính dài hạn cho các chương trình giảm thiểu carbon. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã đổi mới chính sách để đạt được mục tiêu này, bao gồm sự tham gia của các ngân hàng phát triển quốc gia, các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng: Thực trạng đa dạng sinh học giảm sút, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa đã buộc Việt Nam phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm