Chính sách

Môi trường kinh doanh ngày càng nhiều thách thức mới khó lường

DNVN - Theo Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu Tư Trần Quốc Phương, quyết sách nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tin tưởng và lạc quan về tương lai nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường.

Giải bài toán nhân lực cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long / Chi phí logistics vẫn ở mức cao, xuất nhập khẩu chịu thiệt

Những thách thức mới, khó lường
Thông tin này đã được Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu Tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng 12/5 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Chính phủ đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD, lạm phát bình quân ở mức 4%.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.
Điều đáng mừng là quý I/2022, Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm %, tăng 12 điểm % so với quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt gần 50.000 doanh nghiệp, là mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Dù lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam nhưng Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường.
"Quyết sách nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tin tưởng và lạc quan về tương lai nền kinh tế Việt Nam", Thứ trưởng nhìn nhận.
Dù lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam, nhưng theo Thứ trưởng, môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường.
Ở phạm vi quốc tế, kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao, khả năng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ cao trong khi sức mua bị giảm thấp. Kinh tế châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và giá kim loại tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kinh tế Trung Quốc đứng trước rủi ro tăng trưởng chậm lại. Đặc biệt, lạm phát đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới do giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh, đã và đang tạo tác động dây chuyền đến giá cả các hàng hóa, dịch vụ khác.
Nhấn mạnh tác động cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đến kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho biết, tác động trực tiếp đối với thương mại và tài chính khá hạn chế bởi vì Việt Nam không xuất khẩu quá nhiều sang Nga. Việt Nam chỉ có 1% tổng kim ngạch xuất khẩu ngoài dầu mỏ với Nga và chưa đến 1% tổng kim ngạch nhập khẩu ngoài dầu mỏ đến từ Nga. Trong khi đó, Nga chiếm chưa đến 1% nhập khẩu năng lượng của Việt Nam và chưa đến 3% tổng dòng vốn FDI vào Việt Nam, chủ yếu vào ngành dầu khí…
"Tuy vậy, tác động rõ nhất và ngay lập tức của cuộc xung đột là giá hàng hóa tăng. Xung đột Nga-Ukraine có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát thông qua việc tăng giá các mặt hàng liên quan đến dầu mỏ, năng lượng và thực phẩm, cũng như tác động vòng hai đối với nhiều ngành công nghiệp hơn do chi phí vận tải và điện cao hơn, ông Francois Painchaud nói.
Phục hồi không đồng đều
Đánh giá chung về kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã mở cửa trở lại bởi vì Việt Nam đã chuyển sang chiến lược sống chung với COVID-19 và xóa bỏ những rào cản. Mặc dù Việt Nam đã gặp những cú sốc không nhỏ trong đại dịch nhưng đã thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô giảm bớt tác động của COVID-19. Hiện tại là Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế. Thời điểm này rất thích hợp để Việt Nam đưa ra chính sách nhằm đảm bảo rằng có những hỗ trợ kịp thời.
"Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro về lạm phát nghiêng về gia tăng lạm phát. Bên cạnh đó là những rủi ro khác như thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước...", ông ông Francois Painchaud nhìn nhận.
Dù đã có những chính sách nới lỏng nhưng nhu cầu nội địa rất lớn trong khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp và bán lẻ chưa đáp ứng được. Thị trường lao động đã phục hồi nhưng còn rất chậm, tỷ lệ thất nghiệp còn cao. Dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải chịu tác động còn dư đọng của đại dịch. Tương tự như vậy những người có thu nhập thấp có cuộc sống bất ổn.
Cần chính sách hỗ trợ phù hợp
Theo Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, khi nền kinh tế đi xuống cần phải có những chính sách phù hợp để hỗ trợ. Cần hoạch định chính sách mau lẹ để hỗ trợ kịp thời và tăng tốc độ phục hồi kinh tế. Sẽ không có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa do rủi ro CPI gia tăng. Cần hiện đại hóa chính sách tiền tệ và cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên các nhóm nợ và tăng cường giám sát tài chính.
Trong trung hạn, một khi nền kinh tế đã phục hồi sẽ cần phải đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng. Cần phải huy động thu ngân sách, chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Việt Nam là 1 trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều bởi BĐKH nên cần phải có chương trình, kế hoạch và hành động thích hợp với BĐKH, phải lồng ghép nội dung này vào chính sách.
Thêm vào đó, cần phải tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng, cải cách cơ cấu quyết liệt, môi trường đầu tư phải tốt. giảm thiểu gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải thiện chất lượng lao động ở Việt Nam.
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam, diễn giả này cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh hơn, với tăng trưởng dự kiến là 6% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát dự kiến sẽ tăng trong ngắn hạn.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm