Môi trường

Xử lý rác phải cần có công nghệ, không thể chỉ hô khẩu hiệu

DNVN - Chia sẻ tại tọa đàm “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” chiều 8/8, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho rằng, xử lý rác phải cần có công nghệ, Việt Nam không thể hô khẩu hiệu trong điều kiện dân số đông, khí hậu không cho phép sử dụng công nghệ chôn lấp.

Hà Nội: 500 tỷ đồng xây khu xử lý rác thải / Chuyện lạ ở khu xử lý rác Đa Phước

Theo Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, việc xử lý rác thải ở Việt Nam rất khó khăn. Khó không chỉ ở phân loại, ở độ ẩm cao, nhiệt lượng thấp, giá thành xử lý trên một tấn rác thấp so với khu vực mà bài toán khó nhất hiện nay là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác.

Các nước phát triển như Đức, Na Uy… rác thải trên 1 tấn là 50-80klo/1 tấn, hàm lượng độ ẩm 20% còn ở Việt Nam lên đến 60-70%, trong khi công nghệ không có, hệ thống thu gom không phân loại tại nguồn.

“Xử lý rác phải cần có công nghệ, chúng ta không thể hô khẩu hiệu, bởi lẽ các nước khác có thể thực hiện chôn lấp khi họ có diện tích đất đai lớn như sa mạc, hoặc những vùng không có người ở thì có thể thành công với công nghệ chôn lấp. Nhưng với điều kiện ở Việt Nam dân số đông, khí hậu của chúng ta về lâu dài không cho phép sử dụng công nghệ chôn lấp”, ông Sỹ nói.

Tọa đàm “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp”. (Ảnh: Hà Anh).

Theo ông Sỹ, công nghệ đang được thế giới chú ý là công nghệ plasma. Công nghệ này có những nhược điểm nhất định, nhưng bảo đảm tiêu hủy triệt để rác thải không phân loại như của Việt Nam. Nhưng về vấn đề kinh tế, chuyển giao công nghệ … thì lại phải cân nhắc.

Bên cạnh đó, thói quen, tác phong sinh hoạt của người Việt đang khiến việc phân loại rác, thu gom gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các nước khác. Đây không phải là vấn đề một sớm một chiều mà chúng ta có thể thay đổi được. Tới đây, nếu người dân không thực hiện phân loại rác thì sẽ bị xử phạt. Nhưng trong quá trình chưa xử lý được chúng ta phải có những bước đệm, lộ trình.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vấn đề về rác của Việt Nam đến thời điểm này đã đến ngưỡng báo động đỏ.

Hiện nay chúng ta vẫn đang rất lúng túng về công nghệ xử lý, về chính sách và về giá thành. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải tìm hiểu, nghiên cứu chính sách rõ ràng. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ, việc phân loại rác tại nguồn là việc cốt yếu và căn bản để xử lý rác thải. Việt Nam không thể đổ lỗi cho thói quen hay do chưa có hạ tầng phù hợp mà chậm lại việc phân loại rác tại nguồn.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải có chính sách phù hợp cho vấn đề này. Chúng ta có thể áp dụng chính sách đổi đất lấy hạ tầng, nếu doanh nghiệp nào có thể xử lý hết rác thải tại các bãi chứa mà vẫn đảm bảo các yếu tố môi trường thì có thể khai thác phần đất sau khi xử lý”, ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Hà Anh).

Cũng theo Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, đi tìm một công nghệ nào để làm sạch lượng rác thải của chúng ta ngay lúc này thì cực kỳ khó khăn. Nhưng công nghệ hay chính sách phù hợp thì có thể trong thời gian ngắn giải quyết được vấn đề rác tồn đọng. Còn về tương lai lâu dài, vẫn bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ: Theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, muốn áp dụng công nghệ đốt rác và phát điện thì phải khuyến khích phân loại được rác.

Tuy nhiên, cũng có độ trễ trong quá trình triển khai truyền thông, vận động người dân thực hiện khâu phân loại ngay từ đầu nguồn.

“Trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ chủ trì phiên giải trình chất thải rắn toàn quốc theo nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Hiện Ủy ban đã tiến hành khảo sát ở các địa phương, sắp tới sẽ làm việc các bộ, ban, ngành để có báo cáo cụ thể, tìm ra lý do là tại sao chúng ta chưa xử lý được rác thải triệt để và lựa chọn công gì cho phù hợp. Lúc đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có ý kiến cụ thể hơn”, ông Huân cho biết.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm