Năm 2021: GDP tăng 2,58%, xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao
DNVN - Trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt con số ấn tượng: 668,5 tỷ USD.
TP Hồ Chí Minh: Túi thuốc C hiện không được cấp phép bán trên thị trường / Quốc hội họp kỳ bất thường từ 4-11/1/2022 xem xét 4 nội dung cấp bách
Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê tình hình Kinh tế - Xã hội quý IV và năm 2021 sáng 29/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4 với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế – xã hội.
Với việc GDP quý I tăng 4,72%, quý II tăng 6,73%, quý III giảm 6,02%, quý IV tăng 5,22%, Tổng cục Thống kê ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%. Khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến GDP năm 2021.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, trong tháng 12/2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%. Xuất siêu đạt 4 tỷ USD trong năm 2021.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước. Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng được Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê đưa ra. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8%. 116.837 doanh nghiệp thành lập mới. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,84%. Lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng 3,22%, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi là 3,1%...
Theo bà Hương, năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng. Tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng an sinh xã hội được bảo đảm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
"Kết quả tích cực nói trên khẳng định niềm tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, đúng đắn và kịp thời của Đảng, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các địa phương", bà Hương nói.
Khẩn trương khôi phục thị trường du lịch
Để kịp thời thời khắc phục khó khăn, chủ động tận dụng mọi cơ hội, khai thác mọi tiềm năng, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Tổng cục Thống kê kiến nghị cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập cần được triển khai hiệu quả, từ đó tạo tâm lý yên tâm, không di dời khỏi nơi làm việc về quê hương, dẫn tới xáo trộn, thiếu hụt nguồn lực lao động.
Phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra, cần cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh như: thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch… Khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh.
Thêm vào đó, cần đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo