Năm ASEAN 2020 ở Việt Nam: Chuyên gia gợi ý 9 việc truyền thông "nên làm"
DNVN - Sáng 15/01/2020, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức buổi thảo luận bàn tròn với các cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam, trong đó chuyên gia đã gợi ý những việc mà giới truyền thông "nên làm" về sự kiện quan trọng này.
Tiếp tục thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN / Sinh viên RMIT thắng lớn tại cuộc thi Khám phá Khoa học dữ liệu ASEAN
Buổi thảo luận diễn ra trong khuôn khổ hoạt động truyền thông về năm ASEAN 2020 do Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch.
Thảo luận bàn tròn hướng tới chia sẻ những thông tin cập nhật về ASEAN, trong đó có kết quả năm ASEAN 2019 ở Thái Lan, thảo luận những nội dung liên quan đến năm Chủ tịch ASEAN 2020 và các nội dung khác có liên quan.
Năm 2020, Việt Nam vinh dự được đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN. So với 10 năm trước khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2010, bổi cảnh nền kinh tế khu vực và toàn cầu hiện đang đối mặt với nhiều thách thức và bất định, trong đó có xu hướng ly tâm, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại...
Hội nghị Tuyên truyền về ASEAN và chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 hồi tháng 12/2019.
Do vậy, việc khẳng định vai trò của ASEAN như một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết và năng động, góp phần thúc đẩy quá trình kết nối khu vực và toàn cầu càng trở nên có ý nghĩa hơn.
Diễn giả chính tại buổi thảo luận bàn tròn là ông Kavi Chongkittavorn, cố vấn truyền thông cao cấp - ERIA. là chuyên gia truyền thông có rất nhiều kinh nghiệm đối với tiến trình ASEAN, đặc biệt là các nội dung của năm ASEAN 2019 ở Thái Lan, ông Kavi Chongkittavorn đã tóm tắt 3 bài học chính đối với công tác truyền thông, nhìn từ vai trò Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan. Đó là nắm quyền định hướng thông tin càng sớm càng tốt; truyền tải định hướng thông tin càng rộng càng tốt; giữ định hướng thông tin càng nhất quán trong thời gian càng dài càng tốt.
Ông Kavi Chongkittavorn thảo luận về một số nguyên tắc có ý nghĩa đối với Việt Nam khi đảm nhận vai trò ASEAN 2020. Theo đó, diễn giả tập trung hơn vào 9 gợi ý "nên làm" trong công tác truyền thông về năm ASEAN 2020:
Thứ nhất, nên thận trọng hơn trong việc xem xét và sử dụng nguồn tin.
Thứ hai, không nên dựa vào quan điểm, góc nhìn riêng của một nước thành viên ASEAN nào.
Thứ ba, nên trích dẫn bình luận của nhiều nhóm học giả, chứ không chỉ riêng học giả phương Tây.
Thứ tư, nên nghĩ rộng hơn so với khung khổ truyền thống, đặc biệt trong các vấn đề phi chính trị.
Thứ năm, nên theo dõi cả đánh giá chính thức và không chính thức.
Thứ sáu, nên suy nghĩ một cách tổng hợp, không phải theo góc nhìn song phương hay một chiều.
Thứ bảy, nên đọc các văn kiện một cách thận trọng và đọc đi đọc lại nhiều lần trước khi đưa tin.
Thứ 8, nên hiểu đúng và đầy đủ thuật ngữ chuyên môn và ngoại giao của các nước ASEAN.
Thứ 9, nên suy nghĩ và việt về các câu chuyện liên quan tới người dân ASEAN.
Tại buổi thảo luận, nam diễn giả này cũng chia sẻ về việc ERIA dự kiến phối hợp với một cơ quan của Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn tròn chính thức với các biên tập viên lần thứ 9 vào khoảng tháng 10/2020 tại Hà Nội. Trong 10 năm qua, ERIA đã tổ chức Hội nghị bàn tròn với các nước Chủ tịch ASEAN nhằm nâng cao vai trò và hiểu biết của các cơ quan báo chí địa phương về các vấn đề của ASEAN. ERIA sẽ mời khoảng 30 - 40 biên tập viên và chuyên gia phân tích đến từ các nước tham gia hội nghị cấp cao Đông Á tới trao đổi và chia sẻ quan điểm về những vấn đề liên quan tới sự phát triển tại ASEAN.
Tại sự kiện sáng nay, các đại biểu cũng đã thảo luận về một số cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong năm ASEAN 2020 nói riêng và thực hiện tiến trình ASEAN nói chung, cũng như yêu cầu chuẩn bị của các cơ quan truyền thông.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo