Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới
Trao tặng giải thưởng Lương Định Của cho 56 "nhà nông trẻ xuất sắc" / Miền Bắc sắp đón đợt rét đậm, rét hại
Thực hiện kế hoạch công tác năm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới.
Ảnh minh họa.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo một số cơ quan Trung ương và địa phương: đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai; đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, đồng chí Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương; Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Phó chủ tịch thường trực Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai; đồng chí Nguyễn Đức Quang Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Lãnh đạo Sở NN và PTNT các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, lãnh đạo và chuyên viên các sở, ngành, 10 huyện, thành phố và đặc biệt là 165 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ của 82 xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Thiên tai trong những năm vừa qua diễn biến ngày càng phức tạp cả ở trên cấp độ toàn cầu, các nước trong khu vực (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ).
Tại nước ta, năm 2020, thiên tai diễn biến khốc liệt, dị thường ở các vùng miền cả nước. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 458 trận thiên tai, trong đó: 13 cơn bão trên biển Đông; 263 trận dông, lốc; 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 82 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL. Thiên tai đã làm 342 người chết, mất tích; trên 3.200 nhà sập, 280.700 nhà hư hại, tốc mái, 414.400 nhà bị ngập, 171.300 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 49.600 con gia súc, trên 3,3 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, 550km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 115km bờ biển, sông bị sạt lở; 881km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng... Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỷ đồng.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ về 03 nhóm vấn đề trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở:
Một là, hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện tiêu chí 3.2 về đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới.
Hai là, hướng dẫn xây dựng, củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với các nội dung cụ thể về kiện toàn tổ chức, tập huấn kiến thức, kỹ năng, bổ sung các trang thiết bị và triển khai nhiệm vụ trong 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả.
Ba là, hướng dẫn củng cố, tăng cường hiệu quả hoạt động của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Bốn là, ký kết giao ước thi đua "Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn giai đoạn 2020-2025" giữa các tỉnh Tây Nguyên.
Với những hướng dẫn, trao đổi cụ thể, sạt thực, trực tiếp vào những vấn đề còn khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở, Hội nghị là cơ hội để cán bộ các địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã thảo luận, chia sẻ những cách làm hay, những bài học kinh nghiệm từ đó vận dụng trong công việc đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai và xây dựng nông thôn mới an toàn trước thiên tai trong giai đoạn tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo