Ngăn chặn “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá
Cơ hội vàng để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào kinh tế xanh / Hà Nội: GRDP năm 2023 ước tăng 6,11%
Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LuậtĐấu giátài sản, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành luật này, đồng thời đề xuất cần quy định cụ thể hơn để ngăn chặn tình trạng "quân xanh, quân đỏ" trong hoạt động đấu giá tài sản.
Một số đại biểu đã chỉ ra rằng, luật hiện hành không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá, hay tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thổi giá trong đấu giá diễn ra khá phổ biến dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá để làm rối loạn thị trường.
"Thực tiễn có trường hợp người trúng đấu giá bỏ tiền cọc mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính, như vụ Tân Hoàng Minh, vụ biển số xe, gần đây là khai thác mỏ cát ở Hà Nội. Để chấm dứt tình trạng trên, tôi đề nghị có biện pháp chế tài với những trường hợp này như phạt vi phạm hành chính, đặt cọc cao hơn so với quy định hiện hành, không cho đối tượng này tham gia đấu giá lần sau", ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đề xuất.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
"Tình trạng thông thầu, thông đồng, dìm giá, "quân xanh, quân đỏ", cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, về trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại điều 77 của Luật Đấu giá, cần có hướng dẫn để thu thập, thống kê thông tin của các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá nhằm phát hiện bất thương", ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nêu quan điểm.
"Để ngăn chặn hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh, quân đỏ" lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, ngoài việc xử lý nghiêm việc để lộ, lọt thông tin như dự thảo là cần thiết, Luật Đấu giá tài sản cần quy định nghiêm cấm về tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không có đủ năng lực tài chính tham gia đấu giá", ông Trần Văn Khải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, nêu ý kiến.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo cố gắng công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, kéo dài thời hạn cần thiết, quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, quy trình xét duyệt và các quy định về điều kiện tham gia đấu giá, tiền đặt trước theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong quản lý hoạt động đấu giá tài sản, quan điểm của cơ quan soạn thảo là pháp luật quy định càng chặt, càng tốt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo