Tin tức - Sự kiện

Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cuối năm

Sau khi được phân bổ thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đang nhanh chóng triển khai các chương trình ưu đãi để đẩy vốn ra nền kinh tế.

Mỹ là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam cán mốc 100 tỷ USD / Đề xuất bổ sung 9 sân bay mới vào Quy hoạch cảng hàng không

Thủ tướng chỉ đạo cung ứng vốn cho nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1156 về cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh tới yêu cầu phải tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp kịp thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...

Ngân hàng đẩy mạnh giải ngân tín dụng

Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cuối năm - Ảnh 1.

Mới đây, 12 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 3%/năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, sau khi nới hạn mức tín dụng thêm từ 1,5 - 2%, sẽ có khoảng từ 300.000 - 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng được cho vay ra trong dịp cuối năm. Nhiều ngân hàng cũng đã nhanh chóng triển khai các chương trình ưu đãi để đẩy vốn ra nền kinh tế.

Ngân hàng Vietinbank được tăng hạn mức tín dụng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng so với quy mô dư nợ hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Họ đang đẩy mạnh giải ngân để đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả cuối năm.

"Chúng tôi sau khi nhận được chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tập trung rà soát, thiết kể sản phẩm, cũng như trao đổi với doanh nghiệp để cung ứng chi phí hợp lý hợp lệ, đặc biệt là chi phí cho dịp Tết cổ truyền cũng như những chương trình sắp đến là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp", ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Vietinbank, cho biết.

Bên cạnh việc lên phương án cung ứng vốn sau khi được phân bổ thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, các ngân hàng cũng chủ động tìm giải pháp để hỗ trợ, chia sẻ với khách hàng, với mức giảm lãi vay từ 1 - 3%, tùy chính sách của từng nhà băng.

"Chúng tôi đang giảm 20% số lãitrong tháng 12, với tất cả các khách hàng. Chúng tôi đã sẵn sàng dùng nội tại để đóng góp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bớt khó khăn. Doanh nghiệp bớt khó khăn là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại. Khi doanh nghiệp tồn tại thì chúng tôi tồn tại", ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Hội đồng thành viên ngân hàng Agribank, cho hay.

 

Theo Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng cao do tính mùa vụ, nhưng thống kê cho thấy, mức tăng trưởng cho vay thường chỉ từ 2 - 2,2%, trong khi dư địa cho vay còn lại lên tới 3,5 - 4%, tức là lượng vốn các ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế khá dồi dào.

"Các ngân hàng thương mại cũng đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp tốt. Doanh nghiệp tốt thì không chỉ 1, mà nhiều ngân hàng muốn cấp hạn mức tín dụng. Vốn tín dụng là không hề thiếu. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như thế này, trong vòng 3 tuần chúng ta có room tín dụng 3,5 - 4% thì cực kỳ nhiều", TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, để cung cầu tín dụng gặp nhau, chất lượng khoản vay phải đảm bảo, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hướng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, trong đó 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn đang được tiếp cận lãi suất ưu đãi ở mức 5,5%/năm.

Để đảm bảo các ngân hàng thương mại có đủ nguồn vốn cho vay, lần đầu tiên sau nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước đã kéo dài kỳ hạn cho vay qua thị trường mở lên 91 ngày, thay vì mức 14 ngày như thường lệ.

Từ ngày 7/12 đến nay, trung bình mỗi ngày, cơ quan điều hành cho vay gần 3.000 tỷ đồng thông qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Đây cũng được xem là động thái hiện thực hóa thông điệp đẩy ra thị trường một lượng vốn dài hạn hơn để đáp ứng nhu cầu cho vay sau khi nới hạn mức tín dụng.

 

Thanh khoản cải thiện, mới đây, 12 ngân hàng cũng đã cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 3%/năm. Theo Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 3.300 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng tìm cách đa dạng nguồn vốn vay

Để có thể giảm và giữ ổn định lãi suất cho vay, các ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động, đa dạng hóa các nguồn vốn vay trong nước và quốc tế.

Huy động được hơn 500 triệu USD từ các tổ chức tài chính quốc tế lớn, ngân hàng SeABank đã dành riêng để cho vay ưu đãi, chấp nhận cả cho vay thấu chi, không có tài sản đảm bảo để hỗ trợ doanh nghiệp.

"Những khoản cấp vốn này sẽ được phân bổ vào một số ngành gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, ví dụ như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hoặc các dự án xanh, chống biến đổi khí hậu. Khi cho vay, chúng tôi cũng nhận được sự tư vấn từ các định chế tài chính quốc tế vì họ có nhiều kinh nghiệm về thị trường nói chung nên sự đồng hành của các tổ chức này sẽ giúp việc triển khai cho vay dễ dàng hơn", ông Loic Faussier, Phó Tổng Giám đốc cao cấp phụ trách điều hành, ngân hàng SeABank, thông tin.

 

Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cuối năm - Ảnh 2.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã tăng chậm hơn so với áp lực tăng lãi suất huy động. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Từ 5 năm trước, ngân hàng VPBank đã huy động thanh công các nguồn vốn quốc tế. Lợi ích lớn nhất là giúp ngân hàng đảm bảo khả năng thanh khoản trong dài hạn, vì các khoản vay quốc tế thường kéo dài 5 - 7 năm. Năm nay, họ huy động được 1,2 tỷ USD với lãi suất thấp để dành cho vay trong nước.

"Toàn bộ nguồn vốn đó chuyển sang lãi suất cố định. Chúng tôi được hưởng lãi suất rất thấp và chi phí vốn thấp để hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và tài trợ xanh. Cho đến nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ và tài trợ xanh vẫn được hưởng ưu đãi lãi suất đến 1,5% so với lãi suất thông thường nhờ nguồn đó", bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Ngân hàng giao dịch và Định chế quốc tế, ngân hàng VPBank, cho biết.

"Những nguồn vốn huy động từ quốc tế, với lãi suất thấp hơn, đâu đó khoảng 5 - 6% thì rõ ràng thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng lãi suất huy động hiện tại tới 10%, hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thời điểm hiện tại đối với các ngân hàng cũng tương đối khó khăn. Vì vậy, nếu các ngân hàng thương mại huy động được vốn nước ngoài thì đây là nguồn vốn quý giá để các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay hoặc cải thiện các hệ số an toàn vốn", ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán KBSV, nhận định.

Hiện có khoảng gần chục ngân hàng đã tiếp cận được các nguồn vốn quốc tế. Bên cạnh việc đảm bảo thanh khoản dài hạn, các ngân hàng còn được các tổ chức quốc tế hỗ trợ nâng cao quản trị, nhằm tăng cường hiệu quả khi cho vay.

 

Trong công điện vừa ban hành, Thủ tướng cũng yêu cầu các ngân hàng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã tăng chậm hơn so với áp lực tăng lãi suất huy động.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm