Nghị quyết 57: Đòn bẩy đưa khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và dẫn dắt
Thành quả ban đầu từ những quyết sách đúng đắn / Gia Lai: Phòng khám đa khoa Phượng Đạt bị đình chỉ hoạt động vì lý do gì?

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình tiếp cận tri thức mới, công nghệ mới và phát triển bền vững của đất nước. Từ việc thu hút các nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài tới các chuyên gia quốc tế, liên kết nghiên cứu với các viện, trường uy tín, xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu, Nghị quyết mở ra một giai đoạn phát triển mới, đưa khoa học công nghệ Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới.
Trí thức kiều bào - Nguồn lực chiến lược
Đánh giá về Nghị quyết 57, nhiều kiều bào cho rằng Nghị quyết chính là động lực quan trọng giúp Việt Nam vươn mình, phát triển. Lực lượng trí thức kiều bào chính là đội ngũ nhân lực đầy tiềm năng trong quá trình Việt Nam vươn lên phát triển cùng thế giới.
Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Tiến sỹ Lê Đức Anh nhận định, những trí thức và sinh viên trẻ đang học tập tại Nhật Bản có thể trở thành các “đại sứ tri thức”, đưa về Việt Nam không chỉ công nghệ mới, tri thức mới, mà còn là tư duy mới, phương pháp tiếp cận hiện đại, góp phần kết nối, thu hút nguồn lực công nghệ và đầu tư từ Nhật Bản vào các doanh nghiệp Việt Nam.
Để phát huy hiệu quả nguồn lực trẻ này, theo Tiến sỹ Lê Đức Anh, Nhà nước cần xây dựng các cơ chế linh hoạt nhằm tạo điều kiện để trí thức trẻ dù đang ở nước ngoài vẫn có thể tham gia vào tiến trình phát triển khoa học và công nghệ trong nước. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, khuyến khích hợp tác giữa Việt Nam và các nước, thiết lập quỹ tài trợ để các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có thể phối hợp nghiên cứu với đồng nghiệp trong nước. Đồng thời, việc xây dựng mạng lưới chuyên gia kiều bào và thúc đẩy đầu tư công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là hết sức cần thiết.
Tiến sỹ Lê Đức Anh cũng cho rằng, các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại các tập đoàn lớn ở Nhật Bản chính là lực lượng cầu nối chiến lược, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản; từ đó thúc đẩy đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.
Hiện thực hoá hợp tác toàn cầu

Việt Nam hiện có quan hệ hợp tác khoa học công nghệ với gần 70 quốc gia, sở hữu hơn 80 hiệp định khoa học - công nghệ ở cấp Chính phủ và bộ, ngành; đồng thời, là thành viên, đối tác của hàng trăm tổ chức nghiên cứu, viện, trường uy tín trên thế giới.
Hàng loạt mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiệu quả đã được triển khai từ các chương trình học bổng, viện, trường liên kết, đến các dự án chuyển giao công nghệ, các trung tâm nghiên cứu hợp tác với những quốc gia hàng đầu. Đây không chỉ là “cánh cửa” mở ra tri thức, mà còn là “cầu nối” đưa trí tuệ Việt vươn tầm thế giới.
Tại Hà Nội, “Trung tâm Công nghệ chiến lược Úc–Việt”, một mắt xích quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia, vừa được khai trương.
Được đặt tại Trường Đại học Bưu chính Viễn thông (PTIT), trung tâm này được xây dựng thông qua thoả thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cùng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tập đoàn công nghệ Nokia và điều phối chuyên môn từ Đại học Công nghệ Sydney.
Với nguồn vốn khởi đầu hơn 2,1 triệu đô la Australia, trung tâm đặt mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu thế hệ tiếp theo từ 5G/6G, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, đến công nghệ vệ tinh, giúp tạo nền tảng cho chuyển đổi số mạnh mẽ.
Trung tâm Công nghệ chiến lược Úc-Việt là mô hình hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57 với việc thu hút chuyên gia quốc tế, xây dựng trung tâm đạt chuẩn toàn cầu, kết nối sâu hệ sinh thái khoa học công nghệ giữa các quốc gia.
Với cách tiếp cận mở, liên ngành và có chiều sâu, đang tạo nền tảng để lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam hội nhập sâu, vươn xa, góp phần đưa tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trong giai đoạn phát triển mới.
Theo ông Nguyễn Điệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ chiến lược Úc - Việt, hợp tác nghiên cứu mang tính toàn cầu là yếu tố then chốt trong phát triển khoa học và công nghệ hiện đại. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam và Australia đã hỗ trợ việc thành lập Trung tâm Công nghệ chiến lược Úc-Việt với mục tiêu tạo điều kiện để các nhà khoa học hai nước cùng phát triển những công nghệ vừa phù hợp với lợi ích song phương, vừa mang tầm nhìn toàn cầu. Đây là mô hình hiện thực hóa Nghị quyết 57, tạo môi trường thu hút chuyên gia quốc tế và thúc đẩy các nghiên cứu có tính ứng dụng cao tại Việt Nam.
Nêu ví dụ cụ thể về các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) – lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ nhưng đặt ra nhiều thách thức về bảo mật và quyền riêng tư của người dùng, ông Nguyễn Điệp cho rằng, việc ứng dụng công nghệ phải đi kèm với cơ chế kiểm soát rủi ro, đảm bảo an ninh mạng và quyền cá nhân. Tương tự, trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, 5G được xem là hạ tầng chiến lược, song cũng đặt ra yêu cầu cao về an toàn, an ninh thông tin. Bài toán đặt ra là làm thế nào để triển khai các công nghệ tiên tiến này một cách hiệu quả nhưng vẫn kiểm soát được các nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, thông qua hợp tác quốc tế, các bài toán này được kỳ vọng sẽ giải được với sự chung tay của các quốc gia và đối tác.
Một mục tiêu khác của Trung tâm là hỗ trợ Việt Nam cũng như các đối tác tiếp cận nhanh chóng công nghệ tiên tiến nhất thế giới như công nghệ lượng tử trong bảo mật thông tin hay công nghệ vũ trụ ứng dụng trong sản xuất và đời sống.
Theo bà Gillian Bird, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đã và đang trở thành trụ cột chiến lược trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Australia tự hào được đồng hành cùng Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hai yếu tố thiết yếu cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
Trung tâm là minh chứng cụ thể cho cam kết của Australia trong việc hỗ trợ phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược và kết nối các tổ chức Việt Nam với mạng lưới giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu của Australia. Đại sứ Gillian Bird khẳng định, Australia mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai Nghị quyết 57, với kỳ vọng mang lại những kết quả thiết thực, có thể đo lường được, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình khác cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt. Quỹ VinFuture thu hút hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Các trường đại học quốc tế như Việt-Đức, Việt-Nhật, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội hợp tác với Chính phủ Pháp đào tạo hàng ngàn kỹ sư, tiến sĩ trình độ cao. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng đang đóng vai trò là đầu mối kết nối doanh nghiệp công nghệ Việt với các tập đoàn toàn cầu. Tất cả những mô hình này đều phản ánh rõ nét tư duy hợp tác mở, hành động thực chất trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đúng như tinh thần mà Nghị quyết 57 đặt ra.
Biến khoa học và công nghệ thành động lực phát triển đột phá không chỉ là mục tiêu, mà là chiến lược xuyên suốt được xác lập trong Nghị quyết 57. Với quyết tâm hội nhập sâu, đồng thời chủ động dẫn dắt và kiến tạo vị thế quốc gia, Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo