Tin tức - Sự kiện

Nghị quyết số 68-NQ/TW: Để kinh tế tư nhân thật sự cất cánh

Trong gần 40 năm Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào GDP, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đà Nẵng xử lý 'nóng' tình trạng khan hiếm cát xây dựng / Tàu du lịch Quy Nhơn – Diêu Trì chính thức khởi hành từ ngày 1/6

Tuy nhiên, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.

Mở rộng quy mô doanh nghiệp tư nhân

Chú thích ảnh
Đột phá thể chế cho kinh tế tư nhân, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Tiến sỹ Phạm Bích Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế quốc tế (Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Nghị quyết 68-NQ/TW xác lập một bước ngoặt tư duy trong phát triển kinh tế tư nhân khi lần đầu tiên khẳng định khu vực này là “một trong những động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân. Việc chuyển từ tư duy “khuyến khích” sang “bảo đảm” và “tạo điều kiện đầy đủ” thể hiện sự thay đổi có tính chất nền tảng trong tư duy thể chế của Đảng, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân.

Điểm đáng chú ý là Nghị quyết không chỉ đặt mục tiêu chung mà còn xác lập một lộ trình phát triển liên thông, nhất quán gồm ba tầng bậc rõ rệt: Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp chính thức, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ phát triển thành doanh nghiệp lớn và hỗ trợ doanh nghiệp lớn vươn ra khu vực và thế giới.

Quan tâm đến nội dung “Thúc đẩy chuyển đổi và mở rộng quy mô doanh nghiệp tư nhân”, Tiến sỹ Phạm Bích Ngọc cho rằng, Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, phần lớn hoạt động trong khu vực phi chính thức, không tiếp cận được các nguồn lực quan trọng như tín dụng, bảo hiểm xã hội hay chuỗi giá trị toàn cầu. Việc khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi, mở rộng khu vực chính thức, nâng cao năng suất lao động, khả năng tiếp cận tín dụng và tham gia vào chuỗi giá trị là bước đi đầu tiên trong chính quy hóa, đặt trọng tâm vào xây dựng thể chế minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra và có chính sách thuế hợp lý. Đây là bước then chốt để hình thành một lớp doanh nghiệp nền tảng.

Nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, công nghệ và phát triển bền vững, Tiến sỹ Phạm Bích Ngọc đề xuất bốn trụ cột cải cách gồm: Công nghệ, số hóa, xanh hóa và thể chế hóa, để tạo nên “đường băng thể chế” cho kinh tế tư nhân. Khi được đồng bộ với ba trụ cột chiến lược khác là Nghị quyết 66 (đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới), Nghị quyết 57 (đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia) và Nghị quyết 59 (hội nhập quốc tế trong tình hình mới), Nghị quyết 68 sẽ có đủ nền tảng để đưa kinh tế tư nhân từ “tiềm năng” thành “trụ cột”, từ vai trò “bổ trợ” thành “dẫn dắt”.

Kinh tế tư nhân nâng tầm ngành công nghiệp chủ lực

 

Là một trong những ngành kỹ thuật cao đòi hỏi trình độ tổ chức sản xuất và khả năng tích hợp công nghệ lớn, ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đang dần chứng minh vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong việc làm chủ kỹ thuật và chinh phục thị trường quốc tế. Theo kỹ sư Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Tàu thủy Việt Nam, Nghị quyết 68 sẽ tạo động lực mạnh mẽ để ngành công nghiệp tàu thủy phát triển, nhất là khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia và khẳng định được vai trò của mình ở lĩnh vực này.

Kỹ sư Hoàng Hùng cho biết, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã có khả năng đóng được tàu hàng trọng tải lên đến 35.000 tấn, sản xuất đa dạng các loại tàu từ tàu dầu, tàu khách đến du thuyền cao cấp, đáp ứng tiêu chuẩn đăng kiểm quốc tế. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đang bị giới hạn bởi các rào cản thể chế, từ tiếp cận đất đai, tín dụng đến thủ tục hành chính rườm rà.

Nghị quyết 68 đã chỉ rõ và tháo gỡ đúng những điểm nghẽn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Theo kỹ sư Hoàng Hùng, khi doanh nghiệp được đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực và hoạt động trong môi trường cạnh tranh minh bạch, họ sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chiều sâu, đổi mới dây chuyền sản xuất và tích hợp các công nghệ hiện đại như mô phỏng, tự động hóa và chuyển đổi số. Đây là những điều kiện không thể thiếu nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong ngành đóng tàu, chuyển đổi số đóng vai trò then chốt ở tất cả các khâu, từ thiết kế kỹ thuật, cắt thép, hàn tự động đến kiểm định sản phẩm. Việc số hóa toàn bộ quy trình không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn đáp ứng yêu cầu về độ chính xác, tính đồng bộ và khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chu trình sản xuất. Đây cũng là định hướng mà Nghị quyết 68 đang thúc đẩy, thông qua việc xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và phát triển hệ sinh thái dữ liệu dùng chung.

Ngoài ra, kỹ sư Hoàng Hùng kỳ vọng việc phát triển công nghiệp phụ trợ cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Hiện nay, ngành đóng tàu vẫn phụ thuộc đáng kể vào linh kiện, vật tư nhập khẩu. Nếu có chiến lược phát triển đồng bộ chuỗi cung ứng trong nước, kết hợp cùng chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào ngành phụ trợ, Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách công nghệ với khu vực.

 

Kỹ sư Hoàng Hùng nhận định, thành công của Nghị quyết 68 không chỉ đo bằng số lượng doanh nghiệp tăng lên mà còn ở chất lượng phát triển. “Doanh nghiệp tư nhân không thể lớn mạnh nếu thiếu một thể chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo và hội nhập. Khi thể chế là "đường băng", doanh nghiệp mới có thể “cất cánh’ đúng nghĩa”.


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm